Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, các doanh nghiệp có trên 300 nhân viên sẽ cần công bố tỷ lệ sử dụng thời gian nghỉ thai sản và các doanh nghiệp có trên 100 nhân viên sẽ phải thiết lập và công bố mục tiêu. Chính phủ kỳ vọng điều này sẽ giúp ích cho nhân viên khi lựa chọn nhà tuyển dụng và sẽ thúc đẩy các công ty cạnh tranh để cung cấp môi trường thân thiện hơn cho việc nuôi dạy con cái.
Theo số liệu do Bộ Y tế Nhật Bản công bố vào tháng trước, việc nam giới không tham gia chăm sóc con cái và nội trợ là nguyên nhân cố hữu dẫn đến tỷ lệ sinh giảm liên tục ở Nhật Bản, từ trên 1 triệu ca sinh vào năm 2015 xuống còn khoảng 758.000 ca sinh vào năm ngoái.
Mặc dù đã có sự thay đổi khi tỷ lệ hộ gia đình có các bà nội trợ toàn thời gian ở mức dưới 30%, nhưng gánh nặng chăm sóc con cái và nội trợ vẫn đè nặng lên vai phụ nữ một cách không cân xứng. Theo một cuộc khảo sát của chính phủ, phụ nữ trong các gia đình có hai người lao động có con dưới 6 tuổi dành trung bình 6 tiếng 32 phút mỗi ngày để làm việc nhà và chăm sóc con cái, trong khi con số này ở nam giới là chưa tới 2 tiếng.
Sự mất cân bằng này một phần xuất phát từ việc nam giới phải làm việc nhiều thời gian hơn, điều mà dự luật trên đề xuất nhằm mục đích thúc đẩy các công ty giải quyết.
Kết quả một cuộc khảo sát của Bộ Y tế trong tài khóa 2022 cho thấy trong khi 80,2% phụ nữ nghỉ thai sản thì tỷ lệ ở nam giới chỉ là 17,13%. Sau khi đi làm trở lại, khoảng 80% bà mẹ sẽ tận dụng chế độ làm việc thời gian ngắn hơn và chỉ có 20% các ông bố sử dụng chế độ này. Một bà mẹ khoảng 30 tuổi ở Tokyo cho biết: “Sẽ rất hữu ích nếu chồng tôi có thể về nhà vào những thời điểm bận rộn như ăn cơm hay tắm rửa, dù chỉ vài lần một tuần”.
Đạo luật mới được thông qua cũng bao gồm các biện pháp khác nhằm thúc đẩy sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Các công ty sẽ phải cho phép phụ huynh làm việc từ xa cho đến khi con họ đủ 3 tuổi và quy định về cấm làm việc ngoài giờ sẽ được áp dụng cho đến khi trẻ bắt đầu học tiểu học, thay vì chỉ 3 năm đầu đời của trẻ như hiện nay. Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ bắt đầu thực hiện các biện pháp này vào năm tài chính 2025.