Ngày 28/2, phát biểu trước Quốc hội Singapore, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng (PMO), bà Indranee Rajah cho biết tỷ lệ sinh tại Singapore giảm xuống còn 0,97 con/phụ nữ trong năm 2023, tiếp tục đà giảm so với mức thấp kỷ lục trước đó là 1,04 vào năm 2022 và 1,12 vào năm 2021. Đây là năm đầu tiên trong lịch sử tổng tỷ suất sinh của Singapore giảm xuống mức dưới 1.
Tại Hàn Quốc, quốc gia này cũng tự phá vỡ kỷ lục tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới trước đó của mình khi ghi nhận tỷ lệ sinh trong năm 2023 xuống còn 0,72, giảm 8% so với mức 0,78 vào năm 2022. Quốc gia Đông Bắc Á này cần tỷ lệ sinh đạt mức trung bình 2,1 trẻ em/phụ nữ để duy trì dân số hiện tại 51 triệu người.
Kể từ năm 2018, Hàn Quốc là thành viên duy nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có tỷ lệ sinh dưới 1. Ngoài ra, độ tuổi trung bình phụ nữ Hàn Quốc sinh con lần đầu là 33,6 - cao nhất trong số các thành viên OECD. Theo Viện Đo lường và Đánh giá Y tế tại Đại học Washington, nếu tỷ lệ sinh tiếp tục thấp, dân số của nền kinh tế lớn thứ năm châu Á được dự đoán sẽ giảm gần một nửa xuống còn 26,8 triệu người vào năm 2100.
Tại Nhật Bản, số trẻ em được sinh ra trong năm 2023 giảm xuống mức thấp mới, đánh dấu năm thứ 8 giảm liên tiếp số ca sinh. Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản cho biết trong năm 2023, 758.631 trẻ sơ sinh đã được sinh – giảm 5,1% so với năm trước và là số ca sinh thấp nhất kể từ khi số liệu thống kê được tổng hợp lần đầu tiên vào năm 1899.
Năm 2023, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cảnh báo rằng tỷ lệ sinh thấp dai dẳng sẽ sớm đe dọa khả năng xã hội vận hành. Nhà lãnh đạo hối thúc vấn đề này không thể chờ đợi và các biện pháp không thể trì hoãn.
Tỷ lệ sinh thấp đặt ra nhiều thách thức cho vấn đề nhân khẩu học trong bối cảnh già hóa dân số. Rõ ràng, tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh sẽ tác động mạnh đến thị trường lao động, dẫn đến khủng hoảng nguồn nhân lực cho thị trường lao động, tỷ lệ lao động trong tuổi tham gia thị trường lao đông sẽ có xu hướng giảm đi; gia tăng nhanh tỷ lệ dân số phụ thuộc và gia tăng gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội của một quốc gia.
Nguyên nhân do đâu?
Nguyên nhân lớn nhất dẫn tới tỷ lệ sinh giảm ở các nước là các cặp đôi trì hoãn hoặc thậm chí không muốn kết hôn và sinh con.
Năm ngoái, Singapore đã ghi nhận 26.500 trường hợp kết hôn và 30.500 ca sinh. Trong 5 năm qua, số người tại quốc gia Đông Nam Á này kết hôn và sinh con trung bình hằng năm thấp hơn so với giai đoạn 5 năm trước đó.
Tương tự, số lượng cuộc hôn nhân tại Nhật Bản năm 2023 đã giảm 5,9% xuống còn 489.281 cặp đôi, lần đầu tiên giảm xuống dưới nửa triệu cặp sau 90 năm.
Chi phí nuôi dạy con cao, giá bất động sản tăng cao, thiếu việc làm lương cao, lo ngại về cân bằng giữa công việc và cuộc sống khiến những người trẻ suy nghĩ lại về mục tiêu lập gia đình.
Giới trẻ ở Hàn Quốc cho hay chi phí sinh hoạt và giáo dục cao khiến họ ngại kết hôn và sinh con. Hàn Quốc là quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng các quốc gia có chi phí nuôi trẻ đắt nhất thế giới. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu dân số tại Bắc Kinh (Trung Quốc) công bố hồi tháng 5/2023, chi phí nuôi dạy một trẻ đến tuổi 18 của Hàn Quốc cao gấp 7,79 lần so với mức thu nhập bình quân trên đầu người, là mức cao nhất thế giới.
Đề cập đến nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ sinh giảm, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Rajah chỉ ra rằng tỷ lệ sinh thấp của Singapore phản ánh một hiện tượng toàn cầu, khi các ưu tiên cá nhân và chuẩn mực xã hội đã thay đổi. Hiện tại, nhiều người trẻ tuổi dường như không coi việc kết hôn hay sinh con là mục tiêu quan trọng của trong cuộc đời. Phụ nữ bày tỏ họ gặp khó khăn khi phải sắp xếp công việc của mình với trách nhiệm làm việc nhà và nuôi dạy con cái.
Ngoài các yếu tố trên, những bất ổn gia tăng trên thế giới như xung đột leo thang, biến đổi khí hậu ngày một nghiêm trọng hơn cũng khiến nhiều người dè dặt chuyện con cái.
Các nước tăng tốc đảo ngược xu thế
Kể từ năm 2006, chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư hơn 270 tỷ USD cho các chương trình nhằm thúc đẩy các cặp đôi sinh thêm con, bao gồm trợ cấp tiền mặt, dịch vụ chăm sóc trẻ nhỏ và hỗ trợ các phương pháp điều trị vô sinh, hiếm muộn. Chính quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol đã coi việc đảo ngược tỷ lệ sinh giảm là ưu tiên quốc gia, và vào tháng 12/2023 đã cam kết đưa ra các biện pháp đặc biệt để giải quyết tình hình.
Tại Nhật Bản, chính phủ nước này đang lên kế hoạch trình Quốc hội các đề xuất luật liên quan, trong đó có dự luật tăng trợ cấp cho trẻ em và có các chính sách thúc đẩy xây dựng môi trường sống thân thiện với trẻ em.
Tại Singapore, để khuyến khích người dân sinh con, chính phủ đã cung cấp nhiều gói trợ cấp. Cụ thể, từ 14/2/2024, các cặp vợ chồng sẽ nhận được 8.000 USD khi sinh con đầu lòng và thứ 2, 9.500 USD cho con thứ 3. Mức tăng này đạt 37% so với 30% trước đây. Không chỉ vậy, nước này cũng đã nới lỏng quy định trữ đông trứng, tăng giới hạn tuổi thực hiện thủ thuật từ 35 lên 37, và cho phép phụ nữ độc thân đông lạnh trứng với những lý do không cần liên quan đến y tế, đồng thời mở cơ hội cho những phụ nữ từ 21 đến 35 tuổi muốn bảo quản trứng cho đến khi họ kết hôn hợp pháp.
Mặc dù chính phủ các nước đều nỗ lực đưa ra các giải pháp để giải quyết tình tỷ lệ sinh thấp trong nhiều năm trở lại đây, nhưng dễ nhận thấy nhất, các biện pháp tài chính nói chung không thuyết phục được các cặp vợ chồng trước tốc độ tăng chóng mặt của chi phí sinh hoạt.
Theo đề xuất của một số nhà phân tích, một khi cải cách chính sách gia đình không tạo ra mức tăng vọt về tỷ lệ sinh như kỳ vọng, các quốc gia có thể cần tập thích ứng, cả về kinh tế - xã hội, với một dân số già.
Nhật Bản đang xem xét nghiêm túc hơn trong việc tiếp nhận thêm lao động nước ngoài để bù đắp tình trạng thiếu nguồn nhân lực trong nước. Vấn đề nhân khẩu học ở Nhật Bản đang buộc các công ty và cộng đồng phải mở cửa với tốc độ chưa từng thấy.
Theo số liệu của Bộ Lao động Nhật Bản công bố vào tháng 1, năm 2023, đất nước “Mặt trời mọc” ghi nhận số lượng lao động nước ngoài đạt kỷ lục 2,04 triệu, tăng 12,4% so với năm 2022. Số lượng này sẽ không dừng lại ở đó mà tiếp tục tăng với tốc độ nhanh khi Nhật Bản tìm kiếm thêm nhân viên dây chuyền lắp ráp, công nhân xây dựng, người hái rau và người chăm sóc người già. Junji Ikeda, Chủ tịch Saikaikyo, tổ chức chuyên cung cấp và giám sát lao động nước ngoài có trụ sở tại Hiroshima, cho biết: “Nhật Bản đang bước vào kỷ nguyên nhập cư nước ngoài ồ ạt”.
Trong khi đó, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc cũng nghiên cứu tăng số lượng ngành có thể tiếp nhận người lao động nước ngoài. Trong năm 2023, Hàn Quốc đã nâng mức giới hạn số thị thực được cấp phép cho lao động nước ngoài lên 110.000, gấp đôi so với năm 2019.
Theo tờ Korea Times, năm 2024 dự kiến sẽ là năm đầu tiên số lượng lao động nước ngoài tại Hàn Quốc vượt mốc 1 triệu. Chính phủ có kế hoạch đưa thêm 165.000 lao động từ các quốc gia khác vào năm 2024 để đạt được con số này.
Hàn Quốc cũng đang mở rộng các ngành nghề được phép cấp thị thực cho lao động nước ngoài. Sau cuộc họp của Ủy ban Chính sách Lao động Nước ngoài cuối năm 2023, các khách sạn, căn hộ và nhà hàng tại Hàn Quốc sẽ được phép tuyển dụng lao động nước ngoài đến đây với thị thực lao động không chuyên nghiệp theo Hệ thống Giấy phép Lao động.