Nhật Bản: Thời kỳ mới với nhiều kỳ vọng

Nhật hoàng Naruhito, bắt đầu thừa kế ngai vàng từ đầu tháng 5 vừa qua sau khi vua cha thoái vị, sẽ chính thức đăng quang trong một buổi lễ được tổ chức trọng thể tại Hoàng cung ngày 22/10, với sự tham gia của gần 2.000 quan khách trong và ngoài nước.

Được coi là “vị hoàng đế của những điều đầu tiên”, nhiều người hy vọng thời kỳ Lệnh Hòa (Reiwa) dưới sự trị vì của Nhật hoàng Naruhito sẽ là một thời kỳ đổi mới và tạo ra sức bật mới cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này.

Chú thích ảnh
 Nhật hoàng Naruhito (trái) và Hoàng hậu Masako (phải) xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên sau khi lên ngôi, tại Tokyo ngày 4/5/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Sinh ngày 23/2/1960, Nhật hoàng Naruhito là con trai cả của Thượng hoàng Akihito và Hoàng Thái hậu Michiko. Không chỉ là Nhật hoàng đầu tiên sinh ra sau Chiến tranh thế giới thứ Hai và là người đầu tiên được các bậc sinh thành tự tay chăm sóc (theo phong tục của Hoàng gia Nhật Bản, các vị hoàng đế khi còn nhỏ thường bị tách khỏi bố mẹ), Nhật hoàng Naruhito còn là người đầu tiên tốt nghiệp đại học và học cao học tại nước ngoài và có khả năng giao tiếp thành thạo nhiều ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp và Tây Ban Nha. Sau khi tốt nghiệp Đại học Gakushuin (Nhật Bản) vào năm 1982, ông đã đi du học tại Trường Merton của Đại học Oxford (Anh) và lần đầu tiên sống trong ký túc xá.

Giới phân tích cho rằng chính những năm tháng sống cùng cha mẹ đã giúp vị Hoàng đế thứ 126 của Nhật Bản thích ứng tốt hơn với những biến động của thời cuộc. Bản thân Nhật hoàng Naruhito từng thừa nhận những năm tháng sống cùng cha mẹ sẽ là “định hướng quan trọng” cho ông khi thực hiện các bổn phận phi chính trị như một biểu tượng quốc gia trong các năm tới. Phát biểu trong cuộc họp báo cuối cùng với tư cách Hoàng Thái tử hồi tháng 2/2019, ông nói: “Tôi muốn thực hiện các bổn phận như một biểu tượng (của quốc gia) bằng cách luôn ở bên người dân Nhật Bản, và chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của người dân”. Ngày 1/5, phát biểu khi thừa kế ngôi vị Hoàng đế Nhật Bản, Nhật hoàng Naruhito cam kết "đi trên con đường mà các bậc cha ông đã vạch ra" và luôn "tự hoàn thiện mình". 

Đa số người dân Nhật Bản kỳ vọng thời kỳ Lệnh Hòa dưới sự trị vì của Nhật hoàng Naruhito sẽ là thời kỳ ổn định và thành công. Bên cạnh đó, đa số người dân Nhật Bản cũng hy vọng Nhật hoàng sẽ tiếp tục vai trò “biểu tượng quốc gia và biểu tượng của nhân dân” như đã được quy định trong Hiến pháp nước này. Kết quả thăm dò do hãng tin Kyodo News tiến hành ngay sau khi Nhật hoàng Naruhito lên ngôi hồi đầu tháng 5/2019 cho thấy 80,9% người được hỏi cho rằng Nhật hoàng cần tiếp tục vai trò này. Ngoài ra, sự kiện tân Nhật hoàng Naruhito lên ngôi và mở ra thời kỳ “hòa hợp tốt đẹp”, như ý nghĩa của niên hiệu Lệnh Hòa, cũng được kỳ vọng sẽ tạo cú hích góp phần kích thích tăng trưởng của nền kinh tế Nhật Bản.

Chỉ trong thời gian ngắn sau khi lên ngôi, Nhật hoàng Naruhito đã có nhiều hoạt động để lại ấn tượng tốt cho người dân Nhật Bản và  quốc tế. Điển hình là việc hôm 15/8, Nhật hoàng Naruhito đã bày tỏ “sự hối tiếc sâu sắc” trước các hành động trong chiến tranh của Nhật Bản, đồng thời bày tỏ chân thành hy vọng "những cảnh tàn phá của chiến tranh sẽ không bao giờ lặp lại”. Trước đó, Thượng hoàng Akihito, một người vốn được người dân Nhật Bản hết sức tôn kính và quý trọng, đã nhiều lần sử dụng cụm từ “hối tiếc sâu sắc” trong các bài phát biểu hằng năm vào dịp này (sự kiện Nhật Bản đầu hàng phe đồng minh trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai) kể từ năm 2015. Bởi vậy, Nhật hoàng Naruhito được cho đã thực hiện đúng cam kết "đi trên con đường mà các bậc cha ông đã vạch ra".

Không chỉ có Nhật hoàng Naruhito, nhiều thành viên khác trong Hoàng gia như Hoàng Thái tử Fumihito và Công chúa Mako đều rất tích cực trong nỗ lực phát triển quan hệ hữu nghị giữa Nhật Bản và các nước khác. Nhờ vậy, kết quả thăm dò dư luận mới nhất mà đài truyền hình NHK công bố hôm 21/10 cho thấy đa số người dân Nhật Bản có cảm giác gần gũi với Hoàng gia. Khi được hỏi về cảm nghĩ đối với Hoàng gia, 71% người được hỏi cho biết họ có cảm giác rất gần gũi hoặc không ít thì nhiều có cảm giác gần gũi với Hoàng gia. Như vậy, có thể thấy so với cuộc thăm dò tương tự do NHK tiến hành năm 2009, tỷ lệ người cảm thấy gần gũi với Hoàng gia đã tăng đáng kể, từ 60% lên 71%. 

Trong phát biểu đầu tiên gửi tới toàn dân khi lên ngôi, Nhật hoàng Naruhito nguyện hành động theo Hiến pháp, nguyện suy nghĩ và phụng sự lợi ích của người dân. Sự khởi đầu của triều đại Lệnh Hòa đang khiến người dân Nhật Bản thêm tin tưởng vào một thời kỳ mới hòa bình, phát triển và thịnh vượng trên “đất nước Mặt Trời mọc”.

Đào Thanh Tùng (Pv TTXVN tại Nhật Bản)
Lùi thời gian tổ chức lễ diễu hành mừng Nhật hoàng Naruhito đăng quang
Lùi thời gian tổ chức lễ diễu hành mừng Nhật hoàng Naruhito đăng quang

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 18/10, Nội các Nhật Bản đã thông qua quyết định tổ chức lễ diễu hành sau lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito vào ngày 10/11. Các nghi lễ khác như lễ đăng quang hay tiệc chiêu đãi vẫn sẽ được tổ chức theo đúng kế hoạch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN