Con số trên cao hơn so với mức tăng từ 3.000 tỷ yen được đề xuất trước đây dành cho hỗ trợ chăm sóc trẻ em từ tài khóa 2024. Dự kiến dự thảo về chi tiết cách thức chính phủ hỗ trợ việc chăm sóc trẻ em sẽ được công bố vào ngày 1/6.
Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản, ông Shigeyuki Goto xác nhận đã được thủ tướng chỉ đạo tăng cường tài trợ để giải quyết tình trạng nghèo đói và lạm dụng trẻ em, cũng như tăng cường hỗ trợ cho trẻ em khuyết tật và những trẻ cần được chăm sóc y tế tích cực.
Chính sách trẻ em là một lĩnh vực trọng tâm của chính quyền đương nhiệm. Trong tài khóa hiện tại tính từ tháng 4/2023, khoảng 4.800 tỷ yen (34,3 tỷ USD) đã được phân bổ cho một cơ quan mới thành lập chuyên giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em và gia đình. Trong tương lai gần, chính phủ đặt mục tiêu tăng gấp đôi chi tiêu cho chính sách trẻ em. Theo dự thảo, chính phủ sẽ tiến hành cải cách chi tiêu vào tài khóa 2028 để không tạo thêm gánh nặng với người nộp thuế.
Tuy nhiên, do nợ công của Nhật Bản đang ở mức cao, nên việc tìm kiếm một nguồn tài trợ mới cho ngân sách chăm sóc trẻ em là một thách thức. Trong số các lựa chọn có tăng phí bảo hiểm xã hội, yêu cầu đóng góp nhiều hơn từ các doanh nghiệp, đây cũng là các nguồn đang được sử dụng để trợ cấp cho trẻ em và thực hiện các hỗ trợ khác. Chính phủ cũng đang cân nhắc việc thành lập một quỹ hỗ trợ mà các doanh nghiệp và các tổ chức sẽ đóng góp cho mục tiêu tăng cường hỗ trợ chăm sóc trẻ em.
Ngân sách nhà nước của Nhật Bản đã tăng thêm, với chi phí an sinh xã hội chiếm một phần lớn trong chi tiêu. Trước các mối đe dọa an ninh ngày càng tăng, Thủ tướng Kishida đã đặt mục tiêu tăng ngân sách quốc phòng lên tổng cộng 43.000 tỷ yen (307,5 tỷ USD) trong vòng 5 năm cho đến tài khóa 2027 và ông phải quyết định khi nào chính phủ sẽ tăng thuế để bù đắp một phần chi tiêu gia tăng.
Nhật Bản là một trong những quốc gia có tốc độ dân số lão hóa nhanh nhất thế giới với số trẻ sơ sinh lần đầu tiên giảm xuống dưới 800.000 vào năm ngoái, kể từ khi có dữ liệu so sánh vào năm 1899.