Bếp trưởng Kantaro Ishii vẫn giữ những ký ức đẹp đẽ về thời gian làm việc tại izkaya của cha anh ở gần nhà tại Sendai, Nhật Bản. “Izakaya (quán bar phục vụ rượu và đồ ăn nhẹ) là nơi luôn bận rộn. Không có chỗ cho sai sót”. Ishii, anh cả trong gia đình hai con trai, thường đi siêu thị vào buổi sáng để mua gạo, rau, lươn, rồi bắt xe buýt đến nhà hàng cách xa vài block nhà. Đó là một công việc vất vả với “cả núi trách nhiệm”, và thường "quá sức lúc mới bắt đầu” - Ishii nhớ lại.
Khi đó cậu bé mới 5 tuổi.
“Tôi phát khóc mỗi khi có ai đó trong siêu thị hỏi bố mẹ cháu đâu”, bếp trưởng 28 tuổi kể, “Tôi chỉ là một cậu nhóc và đó là lần đầu tiên tôi đối diện với thế giới. Thật đáng sợ”.
Chúng con đủ lớn rồi!
Serie “Old Enough!” (tựa Việt: "Chúng con đủ lớn rồi!"), khởi chiếu từ tháng 3 vừa qua. Bộ phim khắc họa hình ảnh những đứa trẻ ở độ tuổi mới biết đi, từ 2-5 tuổi, đã tham gia những công việc đơn giản để giúp bố mẹ, hoàn toàn không có sự giám sát của người lớn, kể cả tự đi lại trên những phương tiện giao thông và tuyến đường đông đúc.
Trong tập đầu tiên, cậu bé hơn 2 tuổi cực kỳ dạn dĩ khi được mẹ giao cho đi siêu thị mua đồ, tự mình qua đường, tìm kiếm những món đồ cần mua cho đến thanh toán hóa đơn… Cách cậu bé tự xử lý những khó khăn trên đường đi dù đôi lúc chưa trọn vẹn vẫn có sức cuốn hút kỳ lạ.
Ở một tập của “Old Enough!”, hai đứa trẻ tuổi chưa đến trường buộc phải cùng nhau tự sang đường, xách theo chiếc túi đựng đồ tạp hóa mà các em vừa mua cho bà của chúng. Phát khóc vì sợ, hai anh em cuối cùng vẫn đến được nơi, và học được cách phải phối hợp, bỏ qua những khác biệt của nhau. Một trong những phần ấn tượng của serie là cô bé 3 tuổi tên Yuka đã tự lang thang trong siêu thị địa phương để giúp mẹ mua hải sản tươi sống cho bữa tối.
Trong chương trình, hình ảnh bọn trẻ hoang mang khi lạc đường, rơi nước mắt ôm chầm lấy mẹ được ghi lại hết sức chân thật qua các máy quay ẩn đã chinh phục trái tim của người xem. Không ít khán giả phải ngạc nhiên trước sự thông minh, tự lập nhưng không kém phần đáng yêu của những em bé Nhật Bản.
"Old Enough!" chinh phục khán giả nhờ những thước phim chân thật và các tình huống bất ngờ. Để đảm bảo bắt trọn cảm xúc chân thật nhất, đội ngũ quay phim đã hóa trang thành thợ điện hay những người đi đường để quan sát, đảm bảo các em không gặp rủi ro bất thường. Tất cả những người ở nơi bọn trẻ đến đều được thông báo chuyện gì đang xảy ra, để họ không sợ hãi và gọi cảnh sát khi nhìn thấy một đứa trẻ 3, 4 tuổi lang thang trên đường phố.
Serie “Old Enough!” từng giành được sự hưởng ứng rộng rãi ở Nhật Bản khi công chiếu trên kênh Nippon TV vào năm 1991. Còn ở Mỹ, công chúng đã hết sức ngạc nhiên, thậm chí sốc và lên tiếng chỉ trích. “Làm như vậy ở Mỹ, ta sẽ không bao giờ còn nhìn thấy đứa trẻ nữa”, một khán giả viết trên Twitter. “Thật điên rồ khi để chúng tự đi lại ngoài đường”, người khác nói. Một số thậm chí đã chỉ trích Netflix cổ súy cho sự thiếu trách nhiệm và gây nguy hiểm với trẻ em.
Một số người cho rằng không thể để trẻ em đi lang thang tự do như vậy bởi môi trường tội phạm tương đối thấp của Nhật Bản không có nghĩa là các em không thể bị hại. Một người dùng Twitter cho biết: “Tôi không nghĩ mình có thể làm điều đó với con mình ở độ tuổi này. Có lẽ chỉ có thể ở Nhật Bản. Đó là một điều kỳ diệu”.
Một truyền thống đang biến mất
Các nhà làm phim của Netflix khẳng định rằng mọi chuyện diễn ra an toàn, các nhân viên sản xuất và nhóm quay phim luôn luôn ở gần, bám sát các em, nhưng vẫn đảm bảo hành trình của những đứa bé diễn ra tự nhiên, chân thật nhất.
Đạo diễn Junji Ouchi cho biết ý tưởng của nhà làm phim với serie “Old Enough!” là ghi lại “truyền thống sai việc vặt” ở Nhật Bản trước khi nó biến mất.
Ông nói: “Hoàn cảnh các gia đình đã thay đổi đáng kể trong hơn 30 năm kể từ khi bắt đầu trình thực tế này, nhưng ở Nhật Bản, truyền thống sai con cái làm việc vặt vẫn còn. Chúng tôi không cảm thấy như mình đang làm một chương trình truyền hình. Nó giống một bộ phim tài liệu hơn. Chúng tôi đã cố gắng tìm những gia đình cho phép ghi lại câu chuyện của họ."
Những đứa trẻ, tất nhiên, không phải lúc nào cũng thành công trong nhiệm vụ của mình và còn rất nhiều thử thách. Các bé bị quên đồ, quên đường và gặp rất nhiều phiền nhiễu trên đường đi, nhưng không có sự cố lớn nào, điều này đã làm tăng thêm sự hoài nghi của một số nhà phê bình về một sự sắp đặt.
Tuy nhiên, các bậc cha mẹ Nhật Bản đã bảo vệ được những hình ảnh được khắc họa trong phim, dù lưu ý rằng nó có thể không phản ánh cuộc sống ở tất cả các vùng của đất nước.
"Những gì bạn thấy trong chương trình thật thú vị nhưng nó chắc chắn không phải là dàn dựng", Emi Sakashita, một bà mẹ người Tokyo hiện đang sống ở Singapore, cho biết. Theo chị, những em bé tuổi biết đi có thể được phép đi lang thang tự do ở những vùng ngoại ô yên tĩnh và các thị trấn nông thôn. Sakashita nói: “Giao thông và các rủi ro khác cao hơn nhiều ở những nơi như Tokyo hay Osaka. Các bậc cha mẹ (ở những thành phố đó) thường sẽ đợi cho đến khi con họ lớn hơn rồi mới cho phép chúng ra ngoài và làm mọi việc một mình mà không cần bất kỳ sự giám sát nào."
Những người khác chỉ ra rằng việc trẻ em Nhật Bản tự đi học là điều phổ biến, và tỷ lệ tội phạm thấp, quy hoạch đô thị tuyệt vời và cơ sở hạ tầng hiện đại của Nhật Bản đồng nghĩa với môi trường tương đối an toàn cho các em. Các khu vực ngoại ô được thiết kế với những lưu tâm đến trẻ nhỏ, kèm theo các quy định giới hạn tốc độ và lái xe phải nhường đường cho người đi bộ.
Chị Sakashita vẫn còn nhớ những trải nghiệm của chính mình hồi nhỏ khi tự đi lại trên đường phố và phương tiện giao thông công cộng. Sakashita cho biết việc đó rất quan trọng để "rèn luyện tính độc lập và tự tin ở trẻ em”.
"Chúng tôi thực sự thích chứng kiến các con cố gắng từng chút một, để rồi có thể trông cậy vào con khi chúng lớn hơn. Nhiều người trong chúng tôi cũng có ít sự lựa chọn. Chúng tôi làm việc miệt mài trong nhiều giờ và không phải lúc nào cũng có ông bà trợ giúp, vì vậy điều quan trọng là con của chúng tôi phải rèn được tính độc lập”.
Cậu con trai Kanta của Sakashita đã tự mình đi mua trái cây, đồ uống và đồ ăn nhẹ từ khi lên 3 tuổi. Bây giờ cậu bé đã 8 tuổi và tự đi xe buýt đến trường. "Thằng bé thực sự dũng cảm, nhưng ban đầu thì không thích thú gì. Nó thấy đáng sợ”, Sakashita kể lại.
Em gái của Kanta, bé Kokoro, 5 tuổi, đã tự đi học mẫu giáo. Cả hai anh em đều lấy cảm hứng từ "Old Enough!". "Hai đứa rất ấn tượng khi thấy những đứa trẻ trong phim làm việc vặt và hoàn thành việc nhà", Sakashita nói. "Hai anh em thậm chí còn so sánh tuổi của mình với những đứa trẻ trong phim và nói rằng chúng cũng có thể làm như vậy”.