Phát biểu trên một chương trình truyền hình ngày 5/12, Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Seiji Kihara khẳng định: “Chúng tôi sẽ triển khai tiêm mũi vaccine thứ ba ngay khi có thể trong lúc xem xét về năng lực của các chính quyền địa phương”. Về nguyên tắc, những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 ở Nhật Bản cần phải chờ ít nhất 8 tháng kể từ mũi thứ hai, trước khi được tiêm mũi thứ ba. Thời gian giãn cách giữa mũi thứ 2 và thứ 3 sẽ được rút ngắn còn 6 tháng trong trường hợp có cụm lây nhiễm ở các cơ sở y tế hoặc nhà dưỡng lão. Tuy nhiên, theo hãng tin Jiji Press, trước sự xuất hiện của biến thể Omicron, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét khả năng mở rộng ngoại lệ này.
Trước những quan ngại về khả năng thiếu vaccine để thực hiện mũi tiêm thứ ba, ông Kihara cho biết Chính phủ sẽ bổ sung thêm vaccine của hãng Moderna vào danh sách các vaccine sử dụng cho chương trình tiêm mũi tăng cường nếu loại vaccine này được phê duyệt để sử dụng cho mục đích như vậy, đồng thời có thể sử dụng để tiêm hoán đổi với vaccine của Pfizer.
Ngoài ra, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) đã triển khai một số biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron trong cộng đồng. Theo các quy định trước đây của MHLW, các hành khách trên máy bay ngồi cùng hàng ghế với các ca nhiễm biến thể Omicron cũng như 2 hàng ghế trước và sau trên các chuyến bay này đều được xác định là những người tiếp xúc gần. Tuy nhiên, kể từ ngày 30/11, thời điểm nhà ngoại giao người Namibia đến sân bay Narita được xác định là nhiễm biến thể Omicron, MHLW quy định tất cả các hành khách trên chuyến bay đó đều là các trường hợp tiếp xúc gần.
Cuối tuần trước, MHLW đã công bố sách hướng dẫn cho các cơ sở y tế về trình tự chẩn đoán các phản ứng phụ của COVID-19. Sách hướng dẫn này do một ủy ban gồm khoảng 20 bác sĩ soạn thảo, trong đó đề cập các biện pháp chữa trị cho bệnh nhân COVID-19, trong đó tập trung vào các phản ứng phụ của COVID-19. Sách này liệt kê các triệu chứng như mỏi mệt, thở gấp, rối loạn khứu giác và vị giác, và suy giảm trí nhớ vào 4 nhóm phản ứng phụ chủ yếu.
Cùng với việc phát hành sách hướng dẫn trên, hôm 3/12, MHLW đã công bố nguyên tắc chung về việc phê duyệt thuốc mới trong tình huống khẩn cấp. MHLW dự kiến sẽ soạn thảo quy định chi tiết về vấn đề này trong thời gian từ nay tới cuối năm và đệ trình dự luật liên quan lên Quốc hội trong kỳ họp thường niên vào đầu năm 2022.
Trong diễn biến liên quan, ngày 5/12, Nhật Bản ghi nhận 115 ca nhiễm mới trên toàn quốc và không có thêm trường hợp tử vong nào vì dịch COVID-19. Cho đến thời điểm này, Nhật Bản mới phát hiện 2 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó có một nhà ngoại giao người Namibia và một người đàn ông đến từ Peru. Cả hai đều có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 trong quá trình kiểm dịch ở sân bay Narita. Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) đã phát hiện họ nhiễm biến thể Omicron trong quá trình phân tích gen. Mặc dù vậy, các chuyên gia y tế không loại trừ khả năng biến thể này đã xuất hiện trong cộng đồng ở Nhật Bản.