Giới chức địa phương ngày 7/3 cho biết chính quyền các tỉnh Shizuoka và Yamanashi, nơi núi Phú Sĩ tọa lạc, sẽ ban hành quy định trên nhằm tăng thêm nguồn kinh phí bảo vệ môi trường và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho tuyến leo núi.
Hiện tại nhà chức trách địa phương quy định những người leo núi định chinh phục đỉnh núi Phú Sĩ từ trạm thứ năm, tức là gần nửa đường đến đỉnh núi, phải đóng góp cho ngân quỹ. Theo kế hoạch mới, các điểm quyên góp sẽ được lập trên sườn núi gần trạm thứ 5. Tuy nhiên, những du khách chỉ muốn thưởng ngoạn cảnh đẹp, mua sắm và ăn uống tại các vị trí này sẽ không phải đóng góp. Chính sách mới dự kiến sẽ được thông qua tại cuộc họp của cơ quan hữu quan cũng như chính quyền các tỉnh Shizuoka và Yamanashi ngày 19/3 tới.
Hai tỉnh trên đã bắt đầu thu phí đóng góp tự nguyện từ năm 2014, một năm sau khi núi Phú Sĩ được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) xếp vào danh sách di sản thế giới.
Nằm cách thủ đô Tokyo khoảng 100 km về phía Tây Nam, Phú Sĩ là ngọn núi cao nhất Nhật Bản (3.776 mét) và là biểu tượng linh thiêng của "đất nước Mặt Trời mọc". Bên cạnh vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, núi Phú Sĩ còn đi vào thi ca, hội họa và có ảnh hưởng đối với hầu hết các lĩnh vực của đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nhật Bản. Phú Sĩ còn được xem là ngọn núi “nuôi dưỡng văn hóa nghệ thuật Nhật Bản”.