Theo hãng tin Reuters (Anh), Nhật Bản đã bác bỏ cáo buộc cho rằng nước này đang cân nhắc ưu tiên tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19 cho các vận động viên tham dự Thế vận hội Tokyo. Thông tin sau đó đã tạo ra làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội, trong bối cảnh việc triển khai tiêm chủng tại nước này đang chậm trễ hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn khác.
Tính từ tháng 2 đến nay, mới chỉ có 1 triệu người trong số 126 triệu dân Nhật Bản đã được tiêm liều vaccine Pfizer đầu tiên. Những người cao tuổi dễ có nguy cơ mắc bệnh vẫn chưa được tiêm chủng cho đến tuần sau.
Trước đó, hãng thông tấn Kyodo dẫn nguồn các quan chức chính phủ cho biết Nhật Bản đang cân nhắc khả năng đảm bảo tất cả các vận động viên Olympic và Paralympic đều được tiêm chủng vào cuối tháng 6.
“Hãy tiêm chủng cho mẹ tôi trước. Các vận động viên đều trẻ và khỏe mạnh”, một người dùng Twitter cho biết.
Làn sóng phẫn nộ vẫn tiếp tục bùng lên ngay cả sau khi Chánh văn phòng Nội các Katsunobu Kato khẳng định chính phủ không ưu tiên tiêm vaccine cho các vận động viên tham gia Thế vận hội.
Các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã gia tăng đột biến trước Thế vận hội dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 7. Tokyo đã ghi nhận 545 trường hợp mắc mới vào ngày 7/4. Thống đốc Tokyo cho biết bà sẽ yêu cầu chính quyền trung ương áp đặt các biện pháp ở khu vực thủ đô.
Trong khi đó, nhiều người cũng nhấn mạnh kế hoạch tiêm vaccine ban đầu là ưu tiên nhân viên y tế, người già và những người mắc bệnh mãn tính. Họ cũng cho rằng những công dân bình thường rất khó có thể được tiêm chủng trước mùa hè.
"Điều này thật vô lý. Chúng tôi không biết liệu tất cả những người cao tuổi có được tiêm vaccine vào giữa tháng 6 hay không, trong khi tất cả các vận động viên đều được tiêm vaccine?", người dùng có tài khoản Aoiumi2 viết trên Twitter.
Trong khi Nhật Bản vẫn quyết định tổ chức sự kiện thể thao theo kế hoạch vào ngày 23/7, phần lớn người dân nước này muốn hủy bỏ hoặc hoãn tổ chức Thế vận hội một lần nữa.
Một số sự kiện tập dượt cho các môn thể thao gần đây đã bị hủy bỏ hoặc hoãn lại do lo ngại về đại dịch COVID-19. Cụ thể, buổi kiểm tra bộ môn bóng nước thi đấu tại Thế vận hội Olympic Tokyo đã bị hủy do các biện pháp hạn chế để phòng dịch khiến các chuyên gia thể thao nước ngoài không thể vào Nhật Bản.
Hôm 6/4, ông Hiroshi Mikitani, Giám đốc điều hành Tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Nhật Bản Rakuten, đã viết trên Twitter rằng việc tổ chức Thế vận hội là "rủi ro".
“Thành thật mà nói, tôi cảm thấy rằng Thế vận hội mùa hè này quá mạo hiểm. Tôi không ủng hộ Thế vận hội diễn ra”, ông Mikitani nói.
Dự kiến, Olympic Tokyo sẽ diễn ra từ ngày 23/7 đến ngày 8/8 tại Nhật Bản. Tiếp sau đó, Đại hội thể thao dành cho người khuyết tật Paralympic sẽ diễn ra từ ngày 24/8 đến 5/9. Năm ngoái, Nhật Bản và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã phải lùi thời gian tổ chức Olympic và Paralympic sang năm nay sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát tác động đến toàn thế giới.