Tờ Japan Times đưa tin Văn phòng Nội các Nhật Bản đã đăng một video dài 30 phút lên kênh YouTube riêng hôm 12/4. Đoạn clip này được xây dựng dựa trên 1.324 câu chuyện của các nhà lập pháp ở khắp Nhật Bản, những người đã bị cử tri hoặc cấp trên quấy rối.
Video giới thiệu nhiều ví dụ khác nhau về hành vi quấy rối trong giới lập pháp. Một trường hợp là quấy rối dựa trên phân biệt giới tính, khi một nhà lập pháp yêu cầu một nữ đồng nghiệp trẻ hơn phục vụ trà tại các cuộc họp. Người đàn ông này đã đưa ra lời nhận xét rằng những phụ nữ trẻ nhận được phiếu bầu của cử tri là vì ngoại hình của họ chứ không hề có năng lực tham gia chính trường.
Một số chính trị gia cũng phải đối mặt với nạn quấy rối từ các cử tri. Một ví dụ trong video cho thấy một ứng cử viên nữ trẻ tuổi bị một người đàn ông lớn tuổi tiếp cận, người không chỉ xâm phạm quá mức vào vùng không gian cá nhân của người phụ nữ bằng cách ôm ấp và chạm vào vai và lưng của cô gái mà còn cố gắng lấy số điện thoại của cô ấy. Người phụ nữ sau đó giải thích rằng sự việc trên đã gây tổn thương và ảnh hưởng đến công việc của cô ấy.
Một phân cảnh khác cho thấy các nhà lập pháp trẻ cũng có thể là mục tiêu tấn công của những đồng nghiệp nữ lớn tuổi. Trong đó, một phụ nữ trẻ tuổi đã gặp tình huống khó xử khi phát biểu về việc ủng hộ chăm sóc trẻ nhỏ. Không chỉ những đàn ông mà còn là một nữ chính trị gia lớn tuổi có mặt ở đó đã nói với người phụ nữ trẻ rằng “hãy có con trước đã!”
Trong khi chế độ cho nữ lao động nghỉ thai sản đang trở thành tiêu chuẩn tại các ngành tư nhân thì ở lĩnh vực chính trị, phụ nữ vẫn phải đối mặt với những lời chỉ trích khi họ mang thai.
Trong những năm gần đây, các phương tiện truyền thông đã đưa tin nhiều trường hợp các chính trị gia trẻ tuổi, đặc biệt là phụ nữ, phải đối mặt với sự phân biệt đối xử.
Môi trường này đã khiến người trẻ tuổi và đặc biệt là phụ nữ khó tham gia vào ngành chính trị hơn. Một cuộc khảo sát do Văn phòng Nội các thực hiện vào tài khoá 2020 trên đối tượng gồm cả nam và nữ thành viên các hội đồng địa phương cho thấy 42,3% người được hỏi đã bị một cử tri hoặc đồng nghiệp quấy rối theo một hình thức nào đó. Dữ liệu cho thấy 57,6% phụ nữ từng bị quấy rối, trong khi 1/3 nam giới bị phân biệt đối xử hoặc đối xử không phù hợp.
Trong khi kêu gọi các hội đồng địa phương và quốc hội sử dụng đoạn video này trong các chương trình đào tạo của họ, Chính phủ Nhật Bản cũng hy vọng đoạn video sẽ nâng cao nhận thức của các cử tri. Các chuyên gia tin rằng nhiều nạn nhân của nạn quấy rối, đặc biệt là những vụ có tính chất tình dục, không nhận thức được rằng những hành động mà kẻ quấy rối đang làm với họ là sai trái.
Trường hợp nhà lập pháp có lời lẽ phân biệt giới tính rất giống một vụ việc từng xảy ra năm 2014. Khi đó một nghị sĩ kỳ cựu của Tokyo đã làm gián đoạn bài phát biểu của một nữ chính trị gia, người đang vận động cho sự ủng hộ của công chúng hơn đối với phụ nữ mang thai. Đối mặt với những lời nhận xét mang tính chất phân biệt giới tính ngay trong cuộc họp Quốc hội Tokyo, nữ chính trị gia này đã rơi mắt. Sự việc trên đã làm dấy lên một cuộc tranh luận sâu rộng về bình đẳng giới và nỗ lực xóa bỏ nạn quấy rối trong chính trường Nhật Bản.
Trong 38 thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Nhật Bản đứng ở vị trí cuối cùng về tỷ lệ phụ nữ tham gia bộ máy chính trị.
Vấn nạn bất bình đẳng giới ở Nhật Bản cũng đã được nêu ra tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, khi Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 120 trong số 156 quốc gia vềChỉ số Khoảng cách Giới năm 2021.