Trong tuyên bố, Nhật Bản khẳng định ý kiến trên là không thể chấp nhận được, cho rằng các chuyên gia đã đưa ra ý kiến dựa trên nguồn thông tin hạn chế và các cáo buộc thiên vị, thay vì hiểu biết chính xác về hệ thống tư pháp của Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ cung cấp một số tình tiết hỗ trợ Nhóm làm việc của LHQ về vấn đề giam giữ tùy tiện để làm rõ những đánh giá sai lầm của họ, trong đó có thời gian ông Ghosn bị bắt giam mà không được đưa đến thẩm phán.
Phía Nhật Bản nhấn mạnh rằng Nhóm làm việc đã đánh giá vụ việc một cách không thỏa đáng, do việc bắt giữ là biện pháp thông thường nhằm tránh để nghi phạm tiêu hủy bằng chứng và trốn thoát. Theo Chính phủ Nhật Bản, hành động bỏ trốn khỏi phiên xét xử, không chỉ là vi phạm điều kiện tại ngoại, mà còn thể chấp nhận được trong bất kỳ hệ thống pháp luật quốc gia nào.
Tuần trước, nhóm làm việc của LHQ kết luận rằng cựu Chủ tịch Nissan đã nhiều lần bị bắt và giam giữ vô cớ, trước khi ông này trốn khỏi Nhật Bản, đồng thời hối thúc Tokyo bồi thường cho ông Ghosn.
Ông Ghosn đã lãnh đạo Nissan trong hai thập kỷ và tạo ra một trong những liên minh ô tô lớn nhất thế giới cùng hai hãng sản xuất ô tô Renault (Pháp) và Mitsubishi Motors (Nhật Bản). Từ chỗ được coi là "vị cứu tinh" của Nissan khi có công cứu tập đoàn này thoát khỏi bờ vực phá sản, ông Ghosn đã bị nhà chức trách Nhật Bản bắt giữ với các cáo buộc gian lận tài chính và lạm dụng tín nhiệm phục vụ lợi ích cá nhân. Sau vài tháng, ông được phép tại ngoại, nhưng lại bị bắt giữ thêm 3 lần, với tổng cộng thời gian giam giữ là 130 ngày.
Cựu Chủ tịch Nissan đã phủ nhận tất cả các tội danh và trốn khỏi Nhật Bản đến Liban ngày 29/12/2019 trong khi đang được tại ngoại chờ xét xử.