Nhật Bản ngừng xả nước nhiễm phóng xạ xuống biển

Ngày 5/4, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, ông Banri Kaieda, cho biết nước này sẽ ngừng hoạt động xả nước nhiễm phóng xạ ra biển Thái Bình Dương. Động thái này diễn ra sau khi Công ty điện lực Tôkyô (TEPCO) bị chỉ trích nặng nề khi xả 11.500 tấn nước nhiễm phóng xạ nồng độ thấp xuống biển một ngày trước đó.

Kiểm tra nồng độ phóng xạ ở khu vực Minamisoma, cách Nhà máy Fukushima khoảng 25 km về phía bắc.

Cùng ngày, TEPCO thông báo nồng độ đồng vị phóng xạ iodine-131 trong nước biển xung quanh Nhà máy Fukushima 1 cao hơn 5 triệu lần so với giới hạn cho phép. Trước đó, mẫu nước biển lấy cũng cho thấy nồng độ đồng vị phóng xạ cesium-137, với chu kỳ phân rã khoảng 30 năm, cao hơn 1,1 triệu lần so với giới hạn cho phép của Nhật Bản.

Chính quyền tỉnh Fukushima cũng đã bắt đầu đo phóng xạ tại các trường học trên toàn tỉnh. Công tác kiểm tra phóng xạ sẽ được thực hiện cho tới ngày 7/4, tại 1.400 trường mẫu giáo, tiểu học, phổ thông trung học nằm bên ngoài khu vực bán kính 20 km quanh nhà máy. Hoạt động này được tiến hành ngay sau khi các trường học ở Nhật Bản bước vào niên học mới.

Bộ trưởng Kaieda cũng cho biết chính phủ đã ra quyết định buộc TEPCO bồi thường tạm thời cho 80.000 người dân phải sơ tán trong phạm vi bán kính 20 km từ Nhà máy Fukushima 1, cũng như nông dân có sản phẩm xuất khẩu bị đình trệ do lo ngại nhiễm phóng xạ. Tuy nhiên, số tiền đền bù vẫn chưa được xác định cụ thể. Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản ước tính chi phí phục hồi và tái thiết đất nước là khoảng 118 tỉ USD và tuyên bố sẽ không phát hành trái phiếu mới để huy động tài chính mà thông qua cắt giảm chi tiêu ngân sách.

Cùng ngày, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano tuyên bố cần phải thành lập một nhóm điều tra độc lập để điều tra về các sự cố tại Nhà máy Fukushima 1. Đài truyền hình NHK dẫn lời ông Edano phát biểu tại cuộc họp báo khẳng định cần phải tiến hành một cuộc điều tra khách quan càng sớm, càng tốt để ngăn ngừa khả năng tái diễn sự cố này. Theo ông Edano, các chuyên gia của Ủy ban An toàn Hạt nhân (NSC) và các tổ chức khác của Nhật Bản đang làm việc về vấn đề này. Chính phủ muốn nhanh chóng tiến hành một cuộc điều tra nhưng sẽ không can thiệp vào các nỗ lực kiểm soát tình hình hiện nay. Ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng cuộc điều tra này sẽ được tiến hành bởi một tổ chức thứ ba có sự khách quan và độc lập cao, tuy nhiên cần phải có sự tham gia của chính phủ, TEPCO và NSC.

Phía Nhật Bản cũng đã đề nghị tập đoàn nguyên tử quốc doanh Rosatom của Nga chuyển tới Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 thiết bị để loại bỏ chất thải phóng xạ lỏng. Theo hãng thông tấn Nga RIA Novosti, thiết bị này được thiết kế và đưa vào sử dụng từ năm 2001 để loại bỏ chất thải khỏi những tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân không còn sử dụng. Nhật Bản chính là nước tài trợ kinh phí để chế tạo thiết bị trị giá 35 triệu USD này.

Quang Minh

 

Nhật Bản nhờ Nga giúp loại bỏ chất thải phóng xạ lỏng
Nhật Bản nhờ Nga giúp loại bỏ chất thải phóng xạ lỏng

Ngày 5/4, Nhật Bản đã đề nghị tập đoàn nguyên tử quốc doanh Rosatom của Nga chuyển tới nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 một thiết bị để loại bỏ chất thải phóng xạ lỏng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN