Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết ông vẫn giữ liên lạc với Thủ tướng Shinzo Abe đang ở thăm Anh và hiện giới chức Nhật Bản vẫn đang thu thập thông tin về vụ phóng tên lửa này.
Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga. Ảnh: TTXVN |
Trong khi đó, một quan chức Mỹ cho biết Washington có thể đáp trả vụ phóng tên lửa của Triều Tiên bằng việc tiến hành tập trận, triển khai máy bay hoặc tàu chiến để phô diễn sức mạnh. Bên cạnh đó, vụ phóng tên lửa sẽ giúp Tổng thống Donald Trump có thể tăng cường sức ép lên Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải nỗ lực nhiều hơn trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Trước đó cùng ngày, các nguồn tin quân sự Mỹ và Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã thử một tên lửa đạn đạo từ một địa điểm ở phía Bắc thủ đô Bình Nhưỡng, song vụ thử dường như đã thất bại. Theo Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS), vụ phóng xảy ra vào khoảng 5 giờ 30 phút sáng (giờ địa phương). JSC cho biết hiện vẫn đang phân tích tình hình, đồng thời khẳng định quân đội Hàn Quốc đang theo dõi chặt chẽ về khả năng Triều Tiên tiếp tục có hành động khiêu khích và Seoul sẽ duy trì thế phòng thủ. Trong khi đó, theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, tên lửa Triều Tiên dường như đã nổ tung chỉ vài giây sau khi rời bệ phóng.
Giới chức quốc phòng Mỹ cho rằng nhiều khả năng tên lửa đạn đạo Triều Tiên vừa sử dụng là tên lửa tầm trung KN-17, được phóng đi từ bãi thử Bukchang, bay khoảng 30-40km trước khi rơi xuống vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên. Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của quân đội Mỹ xác nhận Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo, nhưng tên lửa này không vượt ra ngoài lãnh thổ Triều Tiên và không gây ra mối đe dọa tới Bắc Mỹ. Nhà Trắng cho hay Tổng thống Trump cũng đã được thông báo về vụ phóng này.
Đáng chú ý, vụ phóng diễn ra trong bối cảnh Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ vừa tổ chức phiên họp đặc biệt về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, trong đó Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson - nước đang giữ chức Chủ tịch HĐBA trong tháng 4 - cảnh báo rằng thất bại trong việc ngăn chặn các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên sẽ dẫn đến "những hậu quả thảm khốc".
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters ngày 27/4, Tổng thống Trump cũng không loại trừ khả năng xảy ra một "cuộc xung đột lớn" với Triều Tiên liên quan các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Ông cũng đánh giá cao nỗ lực của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc kiềm chế Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, tại phiên họp đặc biệt của HĐBA LHQ nêu trên, cả Trung Quốc và Nga đều phản đối việc đe dọa sử dụng vũ lực của Mỹ. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hối thúc các nước liên quan "hạ nhiệt" và kiềm chế trong vấn đề Triều Tiên. Ông cũng nhấn mạnh việc cần phải nối lại các cuộc hòa đàm về Triều Tiên bằng hình thức song phương, tam phương hoặc đa phương.
Trước đó, ngày 16/4 vừa qua (theo giờ Việt Nam), Triều Tiên cũng đã phóng tên lửa mới và lần thử này dường như đã thất bại.