Nhật Bản làm 'sống lại' những ngôi trường bị bỏ hoang như thế nào?

Trong số 7.400 ngôi trường ở Nhật Bản bị đóng cửa vẫn còn tồn tại đến năm 2021, 74,1% đang được tái sử dụng và chỉ có 2,9% dự kiến bị phá bỏ.

Chú thích ảnh
Bể bơi tại trường tiểu học Ashigakubo đóng cửa từ năm 2009. Ảnh: AFP

Những bức ảnh chụp lại các lứa học sinh vẫn còn được để lại, tô điểm dọc cầu thang tại trường tiểu học Ashigakubo - một trong hàng nghìn cơ sở giáo dục đã đóng cửa ở Nhật Bản trong 20 năm qua.

Thị trưởng Yoshinari Tomita cho biết ngôi trường đã có tuổi đời hơn một thế kỷ này buộc phải đóng cửa vào năm 2009 do lúc đó chỉ còn vài chục học sinh trong trường. Các em buổi phải theo học tại một ngôi trường lớn hơn vì các em không thể kết bạn với bất kỳ ai.

Sân chơi đã bị dỡ bỏ sau khi trở nên nguy hiểm do không được bảo trì và hồ bơi hiện được dùng để nuôi vịt.

Tuy nhiên, phần công trình cổ nhất của ngôi trường, được xây dựng vào năm 1903, vẫn được bảo tồn. Chính quyền địa phương đang nỗ lực làm sống lại những căn phòng gỗ đầy hoài niệm này. Một phần ngân sách sẽ giúp chính quyền các thành phố quản lý các trường học cũ và tái sử dụng các tòa nhà không sử dụng để phục vụ cộng đồng một cách tốt nhất.

Sau khi đóng cửa, trưởng tiểu học Ashigakubo được cải tạo và biến thành nơi tổ chức hội thảo cho phụ huynh và con cái hàng tuần. Thi thoảng, cơ sở này cũng được cho thuê để quay phim, tổ chức các sự kiện hóa trang hoặc hội thảo kinh doanh. Nơi đây cũng có thể phục vụ như một trung tâm sơ tán trong trường hợp xảy ra thiên tai, sau khi được nâng cấp đạt tiêu chuẩn yêu cầu vào năm 2019.

Chỉ trong năm ngoái, thị trấn Yokoze thu được 200.000 yên (tương đương 1.340 USD) khi cho thuê ngôi trường này. Đối với thị trấn có khoảng 7.800 cư dân hạn hẹp về tài chính, tòa nhà trường học Ashigakubo thực sự đem lại nguồn lợi nhuận lớn.

8.589 trường học phải đóng cửa

Nhật Bản có dân số già thứ hai trên thế giới, sau Monaco. Quốc gia này có 14,4 triệu trẻ em dưới 15 tuổi, chiếm 11,5% tổng dân số và ít hơn 4 triệu so với đầu những năm 2000.

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục Nhật Bản, từ năm 2002 đến năm 2020 đã có 8.580 trường công lập đóng cửa. Trong số 7.400 ngôi trường vẫn còn tồn tại đến năm 2021, 74,1% đang được tái sử dụng và chỉ có 2,9% dự kiến bị phá bỏ.

Một bể bơi tại một trường học cũ ở tỉnh Kochi đã được một tổ chức chăm sóc rùa phi lợi nhuận biến thành thủy cung, trở thành điểm đến trải nghiệm yêu thích cho nhiều gia đình.

Một trường học khác ở tỉnh Mie lại mở cửa hàng bán đĩa than tại hai lớp học với số lượng khoảng 40.000 đĩa hát.

Tại thị trấn Namegata, tỉnh Ibaraki, từ năm 2009 đến năm 2023, dân số giảm 20% xuống còn khoảng 30.000 người. Số trẻ em giảm hơn 1/3 và số trường học giảm từ 22 xuống còn 7.

Một trong những trường học không sử dụng ở Namegata đã được một công ty mua lại và biến nó thành "công viên nông nghiệp" từ năm 2015, với các cửa hàng nông sản và cơ sở nấu ăn. Niềm tự hào của nơi này là bảo tàng vinh danh khoai lang - một đặc sản địa phương.

Chú thích ảnh
Bảo tàng khoai lang tại trường học Namegata. Ảnh: AFP

Tetsuro Kinoshita, người đứng đầu hội nông dân Namegata, cho biết: “Hoạt động này khiến người dân hạnh phúc, tạo việc làm và tiếp tục sản xuất đặc sản khoai lang địa phương”.

“Đây là một trong những ví dụ điển hình về việc tái sử dụng trường học bỏ không”, Thị trưởng Shuya Suzuki cho hay. Vị quan chức nói thêm sáng kiến cải tạo nhằm “làm cho các ngôi trường trở nên gần gũi với người dân, gắn kết với khu vực, vì trường học từ lâu đã là biểu tượng của cộng đồng”.

Tuy nhiên, đối với một số những ngôi trường cũ khác ở Namegata, việc cải tạo là quá tốn kém và cuối cùng chúng buộc phải bị dỡ bỏ.

Thị trưởng Suzuki chia sẻ: “Công việc này tốn rấy nhiều chi phí. Chúng tôi không thể thực hiện được nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước. Chúng tôi chỉ còn rất ít thời gian vì thời gian trợ cấp có hạn. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải dỡ bỏ".

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo AFP)
Robot 'tràn vào' các nhà máy Trung Quốc, giải quyết thiếu hụt lao động và dân số già
Robot 'tràn vào' các nhà máy Trung Quốc, giải quyết thiếu hụt lao động và dân số già

Tại các nhà máy dệt trên khắp đồng bằng sông Dương Tử ở phía đông Trung Quốc, một sự thay đổi đáng chú ý đã diễn ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN