Nhiều người cao tuổi còn khó khăn cả vật chất và sức khỏe
Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số, và được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh so với thế giới. Với tốc độ này, công tác chăm sóc người cao tuổi sẽ là thách thức rất lớn, cả với xã hội và hệ thống y tế.
Dự báo, số người cao tuổi của Việt Nam tăng lên 16,8 triệu người vào năm 2039 và đạt 25,2 triệu người vào năm 2069. Bước vào thời kỳ dân số già, tỷ trọng nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 14,2% tổng dân số và năm 2036.
Nhận định về tình hình già hóa dân số hiện nay, ông Mai Trung Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Quy mô dân số, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết: “Dự báo, sau năm 2035, Việt Nam sẽ chuyển sang dân số già. Với tốc độ già hóa dân số nhanh, số người cao tuổi ở Việt Nam liên tục tăng nhanh trong những năm trở lại đây”.
Trong khi đó, tại Việt Nam hiện nay, số người cao tuổi phần lớn sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp; số người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn chiếm tới 67%. Có trên 70% người cao tuổi phải tự lao động kiếm sống cùng với sự hỗ trợ của con cháu và gia đình, chỉ có hơn 25,5% người cao tuổi sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội. Với tỷ lệ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, sản xuất khó khăn do thiên tai, dịch họa dẫn đến thu nhập của người nông dân nói chung, người cao tuổi nói riêng còn thấp. Vì vậy, đời sống vật chất của người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay còn nhiều khó khăn; do thế hệ người cao tuổi hiện nay được sinh trưởng trong thời kỳ chiến tranh nên hầu hết không có điều kiện bảo vệ sức khỏe, tích lũy. Có tới 70% người cao tuổi không có tích lũy vật chất; 62,3% thuộc diện khó khăn, thiếu thốn, chủ yếu ở khu vực nông thôn…
Theo ông Mai Trung Sơn, ngoài thực trạng điều kiện sống khó khăn, vấn đề sức khỏe người cao tuổi hiện nay cũng còn nhiều hạn chế. Tuy tuổi thọ trung bình cao (73,5 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước. Theo thống kê điều tra về người cao tuổi, số năm sống có bệnh tật ở phụ nữ trung bình khoảng 11 năm, ở nam giới khoảng 8 năm. Với người cao tuổi, đa số có gánh nặng bệnh tật kép, người già thường mắc các bệnh mãn tính. Bệnh tật ở người già hiện nay chủ yếu là các bệnh không lây nhiễm đòi hỏi điều trị và chăm sóc lâu dài.
Cần sự “thích nghi” nhanh chóng
Theo thống kê của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, trung bình mỗi người cao tuổi mắc tới trên 3 bệnh lý như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, Parkinson, sa sút trí tuệ, đột quỵ… Điều này đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cần có sự điều chỉnh, thích nghi để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Tuy nhiên, khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Việc tăng cường chuyên môn trong điều trị và chăm sóc người cao tuổi là một nhu cầu bức thiết và cần được quan tâm.
TS.BS. Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Phó chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam cho rằng: “Thực trạng hệ thống dịch vụ y tế cho người cao tuổi tại Việt Nam cần sự củng cố để đáp ứng với thực trạng người cao tuổi hiện nay. Việc tăng cường chuyên môn và nhân lực trong điều trị và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là nhu cầu cấp thiết khi tỷ lệ người cao tuổi tại nước ta hiện đang chiếm khoảng 12% dân số và dự báo con số này sẽ tăng lên 17% năm 2030, 25% vào năm 2050”.
Theo đó, bệnh lý người cao tuổi có những đặc điểm riêng không giống với các lứa tuổi khác. Cụ thể, khi về già, nhiều cơ quan trong cơ thể bị lão hóa dẫn đến suy giảm chức năng ở các mức độ khác nhau, làm giảm sức đề kháng với bệnh tật, khả năng hồi phục sức khỏe kém. Tuổi cao và các bệnh mạn tính là nguyên nhân chính dẫn đến giảm hoạt động chức năng hàng ngày ở người già như: giảm khả năng tự đi lại, vệ sinh cá nhân, ăn uống, khả năng giao tiếp, quản lý tài sản, tiền bạc của người già... Việc mất tính độc lập trong hoạt động chức năng hàng ngày là nguyên nhân gây tàn phế và đòi hỏi các biện pháp trợ giúp thích hợp... Chính vì vậy, hệ thống y tế cần có những thay đổi phù hợp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi.
Các chuyên gia cũng cho rằng, người cao tuổi là những người có quá trình cống hiến lâu dài cho gia đình, xã hội, là những người đã tích lũy được nhiều tri thức, kinh nghiệm sống cũng như các giá trị về văn hóa tinh thần để truyền lại cho thế hệ tiếp theo. Bởi vậy, người cao tuổi rất cần sự quan tâm, chăm sóc của gia đình, xã hội về cả vật chất, tinh thần, và dịch vụ y tế…
Để ứng phó với vấn đề già hóa dân số cũng như đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi Việt Nam, rất cần chú trọng đến việc phát triển chuyên môn cũng như triển khai các hoạt động tuyên truyền nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng.
Đặc biệt việc chăm sóc người cao tuổi hiện nay cần sự chung tay của gia đình và xã hội; trong đó, gia đình đóng vai trò chính. Những thay đổi trong đời sống xã hội hiện nay đã làm cho việc chăm sóc sức khoẻ phức tạp hơn; nhất là vấn đề các thế hệ sống chung, diện tích nhà ở chật hẹp, gây khó khăn cho cả người già lẫn các thành viên khác trong gia đình. Vì vậy, xã hội và Nhà nước cũng cần phải quan tâm và có chính sách thoả đáng tới việc chăm sóc người già; cần có sự hỗ trợ xã hội riêng cả chính thức lẫn không chính thức tại gia đình và tại cộng đồng. Việc phối hợp giữa mạng lưới y tế cộng đồng với các nguồn vốn hỗ trợ tư nhân là vai trò chính của các nhân viên y tế trong công việc giúp đỡ chăm sóc người cao tuổi.
Theo Tổng cục Dân số, để nâng cao chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, vừa qua, nhiều hoạt động chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi, đặc biệt là những người cao tuổi neo đơn, không nơi nương tựa đã được triển khai; trong đó, điển hình là mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng. Đây là mô hình được đánh giá là phù hợp với văn hóa của người Việt, ít tốn kém, dễ thực hiện với hai hình thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đó là: Chăm sóc hay phục vụ tại nhà do nhân viên dịch vụ thực hiện và chăm sóc hay hỗ trợ tại nhà do tình nguyện viên thực hiện. Sự hỗ trợ này đã mang đến niềm vui, tinh thần vui vẻ lạc quan hơn cho nhiều người gia có hoàn cảnh neo đơn kinh tế khó khăn, gia đình ít người.
Theo các bác sĩ, để người cao tuổi sống khỏe mạnh, trước hết, bản thân người cao tuổi phải có những kiến thức y tế cơ bản và phải chủ động tham gia mua bảo hiểm y tế để phòng những lúc bệnh tật. Người cao tuổi cũng cần tự chuẩn bị những khoản tiền dự phòng để chủ động chi tiêu khi cần thiết. Hàng năm, người già nên đi khám bệnh định kỳ từ 1 - 2 lần để phòng ngừa, phát hiện kịp thời nếu có bệnh, kiểm soát tốt bệnh nền, nâng cao chất lượng cuộc sống.