Nhật Bản là nước đầu tiên phê chuẩn đầy đủ thuốc điều trị Ronapreve

Hãng dược phẩm Roche của Thụy Sĩ ngày 20/7 thông báo Nhật Bản đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn thuốc kháng thể Ronapreve để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ tới trung bình.

Chú thích ảnh
Nhật Bản phê chuẩn đầy đủ thuốc điều trị Ronapreve do hãng dược Thụy Sĩ Roche phát triển. Ảnh: AFP

Trong tuyên bố, Roche cho biết Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã phê chuẩn loại thuốc này. Việc phê chuẩn được đưa ra dựa trên kết quả thử nghiệm giai đoạn 3, theo đó hỗn hợp kháng thể trong thuốc (gồm bộ đôi 2 kháng thể đơn dòng Casirivimab và Imdevimab) giúp giảm đáng kể nguy cơ các bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ tới trung bình diễn biến nặng đến mức phải nhập viện hoặc tử vong.

Thuốc Ronapreve do hãng dược Thụy Sĩ Roche và công ty công nghệ sinh học Mỹ Regeneron hợp tác phát triển.

Giám đốc phát triển sản phẩm của Roche, ông Levi Garraway, nêu rõ Ronapreve đã được chứng minh có thể tăng tỷ lệ sống sót ở những người có nguy cơ cao, giảm nguy cơ nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân mắc COVID-19 không nhập viện. Thuốc Ronaperve có thể duy trì hoạt động chống lại các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, trong đó có biến thể Delta. Điều này đã được chứng minh trong các thử nghiệm tiền lâm sàng.

Theo Roche, thử nghiệm giai đoạn 3 thuốc Ronapreve cho thấy tỷ lệ phải nhập viện và tử vong của các bệnh nhân được điều trị bằng thuốc này giảm tới 70%. Bên cạnh đó, thuốc còn có thể rút ngắn thời gian biểu hiện triệu chứng bệnh xuống còn 4 ngày. Các thử nghiệm giai đoạn 1 đã cho thấy sự an toàn và khả năng dung nạp thuốc của người dân Nhật Bản.

Hiện thuốc này đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp hoặc tạm thời trong đại dịch ở một số quốc gia và khu vực, trong đó có Liên minh châu Âu, Mỹ, Ấn Độ, Thụy Sĩ và Canada.

* Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Cục Kiểm soát Dịch bệnh của Thái Lan đã ký hợp đồng với Pfizer/BioNTech để mua 20 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.

Vaccine của Pfizer-BioNTech được đăng ký với Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan (FDA) từ ngày 24/6 và việc giao hàng dự kiến sẽ bắt đầu vào quý IV năm nay.

Thái Lan bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà trên toàn quốc từ ngày 7/6 với hy vọng đến cuối năm nay sẽ có 50 triệu người, tức 70% dân số, được tiêm ngừa COVID-19. Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu mua 100 triệu liều vaccine của các hãng khác nhau trong năm nay và dự tính mua thêm 50 triệu liều vaccine cho năm tới vì nhiều khả năng sẽ cần phải tiêm nhắc lại, đặc biệt nếu có nhiều biến thể mới xuất hiện. Đến nay, Thái Lan đã tiêm vaccine cho 14,55 triệu người, trong đó 11,07 triệu người được tiêm mũi 1 và 3,48 triệu người được tiêm mũi 2.

Cùng ngày, Chính phủ Thái Lan thông báo 3 loại vaccine ngừa COVID-19 được sản xuất trong nước sẽ sẵn sàng đưa vào sử dụng vào năm tới.

Về tình hình dịch bệnh, quốc gia Đông Nam Á này ngày 20/7 ghi nhận thêm 11.305 ca mắc mới cùng 80 trường hợp tử vong, đưa tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 426.475 ca, trong đó có 3.502 người không qua khỏi. Vùng đô thị Bangkok mở rộng gồm thủ đô và các tỉnh lân cận chiếm nhiều số ca mắc mới nhất, với 5.468 ca nhiễm cùng 45 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua.

Thái Lan hiện còn 126.765 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại các bệnh viện, trong đó có 3.711 bệnh nhân nặng, kể cả 855 người phải phụ thuộc vào máy thở.

Ngọc Hà - Ngọc Quang (TTXVN)
WHO khẳng định có thể đánh bại COVID-19 nếu nhân loại chung tay
WHO khẳng định có thể đánh bại COVID-19 nếu nhân loại chung tay

Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 20/7 cho rằng nhân loại có thể đánh bại đại dịch COVID-19 nếu tất cả mọi người cùng chung tay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN