Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Cục Văn hóa Nhật Bản cho biết, vào thời điểm cuối tháng 12/2021, trong số khoảng 180.000 tổ chức tôn giáo đăng ký hoạt động ở nước này có tới 3.348 tổ chức không có bất kỳ hoạt động nào. Con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Trong khi đó, theo một cuộc khảo sát vào cuối năm 2022 do báo Sankei Shimbun thực hiện, có tới 15.000 tổ chức tôn giáo tại 47 địa phương không thực hiện yêu cầu báo cáo hồ sơ hoạt động hằng năm lên sở văn hóa.
Trên cơ sở “Tiêu chí đánh giá hoạt động của một tổ chức tôn giáo” do Chính phủ Nhật Bản ban hành ngày 31/3 vừa qua, Cục Văn hóa kiến nghị giải thể các tổ chức tôn giáo không hoạt động nhằm ngăn chặn trốn thuế và rửa tiền. Theo đó, giải thể tất cả các tổ chức tôn giáo không nộp báo cáo theo quy định, không tổ chức các hoạt động tôn giáo trong vòng 1 năm hoặc không bố trí cơ sở hoạt động mới trong vòng 2 năm kể từ khi dừng hoạt động ở cơ sở cũ. Luật các tổ chức tôn giáo cũng quy định tòa án các cấp có thể ra lệnh giải thể các tổ chức tôn giáo theo yêu cầu của Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ, Thống đốc tỉnh hoặc công tố viên nếu xác định tổ chức không hoạt động hoặc vi phạm luật pháp, gây tổn hại đến cộng đồng.
Lâu nay, các tổ chức tôn giáo không hoạt động ở Nhật Bản đã trở thành “điểm nóng” cho các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng như trốn thuế, rửa tiền. Tuy nhiên, chính phủ thiếu các chế tài đủ mạnh để xử lý vấn đề này. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong một cuộc trả lời chất vấn tại Ủy ban Ngân sách Hạ viện hồi tháng 2 đã nhấn mạnh quyết tâm ngăn chặn tình trạng này. Do đó, với các quy định mới chặt chẽ hơn, Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực ngăn chặn việc lợi dụng tôn giáo để trục lợi hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.