Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm liên cầu khuẩn cao nhất từ trước đến nay

Số ca mắc hội chứng sốc nhiễm độc liên cầu khuẩn, chủ yếu do vi khuẩn liên cầu tan huyết nhóm A gây ra, đã tăng lên mức cao kỷ lục ở Nhật Bản.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa vi khuẩn Streptococcus Nhóm A trên bạch cầu trung tính trong cơ thể người là một trong những nguyên nhân gây STSS. Ảnh: Getty Image

Với tốc độ lây lan nhanh chóng và tỷ lệ tử vong cao, căn bệnh nhiễm trùng này đã trở nên phổ biến một cách đáng báo động. Tính từ đầu năm đến ngày 16/6, Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản đã ghi nhận 1.060 trường hợp, vượt con số kỷ lục 941 trường hợp được ghi nhận trong cả năm ngoái. Trong số 335 trường hợp được ghi nhận đến tháng 3 năm nay, có 77 bệnh nhân đã tử vong.

Các triệu chứng của hội chứng sốc nhiễm độc liên cầu khuẩn thường bắt đầu bằng việc đau và sưng ở tay và chân, sốt và tụt huyết áp, sau đó là hoại tử tứ chi và suy đa tạng, dẫn đến tình trạng sốc. Việc điều trị đòi hỏi phải sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn, thậm chí can thiệp phẫu thuật để loại bỏ mô hoại tử. Đây là một bệnh nhiễm trùng rất nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong khoảng 30%.

Liên cầu tan máu nhóm A thường gây viêm họng cấp tính, với các triệu chứng như đau họng và sốt. Hiện chưa rõ nguyên nhân chính xác dẫn đến xu hướng gia tăng gần đây, song nhiều khả năng xuất phát từ sự gia tăng các trường hợp viêm họng cấp do vi khuẩn này kể từ mùa Hè năm ngoái.

Bệnh lây truyền chủ yếu qua các giọt bắn khi ho và hắt hơi, cũng như qua các vết thương hở, thường xuất hiện ở người cao tuổi. Các biện pháp phòng ngừa cơ bản như rửa tay, khử trùng, che miệng khi ho và chăm sóc vết thương hở là rất quan trọng trong việc giảm thiểu sự lây lan. Khi xuất hiện các triệu chứng như sốt, sưng, đau, người nghi mắc bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để kịp thời chữa trị.

Linh Tô (TTXVN)
Số ca nhiễm liên cầu khuẩn nguy hiểm tại Nhật Bản tăng mạnh
Số ca nhiễm liên cầu khuẩn nguy hiểm tại Nhật Bản tăng mạnh

Số ca mắc Hội chứng sốc độc liên cầu khuẩn (STSS) tại Nhật Bản từ đầu năm đến nay đã vượt quá 1.000 ca. Đây là căn bệnh có thể gây tử vong do nhiễm một loại liên cầu khuẩn được gọi là vi khuẩn "ăn thịt người". 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN