Theo báo cáo do WHO cùng trường Vệ sinh dịch tễ và Y học nhiệt đới London (LSHTM) phối hợp thực hiện và công bố ngày 3/11, GBS được cho là tồn tại vô hại trong đường ruột của 1/3 số người trưởng thành trên thế giới. Tuy nhiên các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn này gây ra trên thực tế để lại những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như gây sinh non và khuyết tật bẩm sinh, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều gia đình trên toàn thế giới.
Đây là báo cáo đầu tiên về mối liên hệ giữa GBS và hiện tượng sinh non, theo đó vi khuẩn này là nguyên nhân khiến hơn 500.000 phụ nữ sinh non mỗi năm. Như vậy, số trẻ sơ sinh tử vong và thai lưu trên thực tế nhiều hơn so với nghiên cứu công năm 2017 cho biết GBS cướp đi sinh mạng của 100.000 trẻ sơ sinh và gần 50.000 thai nhi.
Báo cáo cũng lưu ý thực tế chưa có nhiều tiến bộ hướng tới mục tiêu phát triển một loại vaccine phòng ngừa GBS.
Trong bối cảnh đó, ông Phillipp Lambach thuộc Cơ quan tiêm chủng của WHO cho biết cơ quan này đang cùng các đối tác kêu gọi phát triển khẩn cấp vaccine phòng ngừa GBS vì lợi ích của các nước trên thế giới.
Giáo sư Joy Lawn - người đứng đầu một trung tâm chăm sóc sức khỏe trẻ em thuộc LSHTM - cho rằng việc tiêm vaccine ngừa GBS cho bà mẹ có thể cứu sống hàng trăm nghìn trẻ sơ sinh trong những năm tới. Theo Giáo sư Lawn, tình trạng thiếu tiến bộ trong phát triển vaccine phòng ngừa GBS là đáng trách khi ý tưởng đầu tiên về việc bào chế vaccine này đã xuất hiện từ 3 thập kỷ trước đây.
Vi khuẩn GBS trú ngụ trong âm đạo của 15% thai phụ trên toàn thế giới, tương ứng gần 20 triệu người mỗi năm. Mặc dù phần lớn các trường hợp không có triệu chứng, nhưng thai phụ nhiễm khuẩn có thể khiến phôi thai nhiễm khuẩn qua nước ối, hoặc trẻ nhiễm khuẩn trong khi sinh nở. Đáng quan ngại là trẻ sơ sinh và thai nhi đều đặc biệt dễ bị tổn thương do hệ miễn dịch chưa đủ khỏe để chống chọi với vi khuẩn bội nhiễm này.
Nếu không được điều trị, GBS có thể khiến trẻ sơ sinh mắc bệnh viêm màng não và nhiễm trùng huyết và có thể dẫn đến tử vong. Trẻ sơ sinh nhiễm khuẩn nếu không tử vong có thể bị bại não hoặc thị lực suy giảm vĩnh viễn và gặp các vấn đề về thính giác. Báo cáo ngày 2/11 cũng chỉ ra rằng vi khuẩn này mỗi năm khiến khoảng 40.000 trẻ sơ sinh suy giảm thần kinh.
Hiện tại, phụ nữ nhiễm GBS được sử dụng thuốc kháng sinh trong quá trình chuyển dạ để giảm nguy cơ vi khuẩn này lây nhiễm sang con. Tuy nhiên, biện pháp này khó tiếp cận tại những nơi thiếu thốn điều kiện khám sàng lọc và quản lý kháng sinh.
Đáng chú ý là tỷ lệ nhiễm GBS ở người mẹ cao nhất tập trung tại vùng châu Phi Nam Sahara, tiếp đến là khu vực Đông Á và Đông Nam Á.
Theo báo cáo, nếu tiêm vaccine phòng ngừa GPS cho thai phụ theo lịch khám định kỳ, và nếu tỷ lệ tiêm chủng ở thai phụ đạt 70%, có thể ngăn chặn nguy cơ tử vong của 50.000 trẻ sơ sinh và thai nhi.