Bộ hướng dẫn yêu cầu các bệnh viện lưu trữ hồ sơ về những người phụ nữ ẩn danh sinh con và xây dựng những quy tắc cần thiết trong trường hợp đứa trẻ muốn biết danh tính của người mẹ sau này.
Theo tờ Japan Times, bộ hướng dẫn gửi tới chính quyền và bệnh viện các địa phương đã được xây dựng sau khi bệnh viện Jikei tại thành phố Kumamoto – bệnh viện duy nhất của Nhật Bản vận hành một “chiếc hộp em bé”, nhận trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và hỗ trợ cho các gia đình nhận nuôi - cho phép sản phụ sinh con giấu tên từ năm 2019. Cho đến nay, bệnh viện đã hỗ trợ cho 5 trường hợp như vậy.
Bệnh viện Jikei cho biết họ hình thành hệ thống sinh con bí mật để giúp các sản phụ mang thai ngoài ý muốn hoặc gặp khó khăn trong việc nuôi dưỡng, như nghèo khó hay mang thai do bị hiếp dâm. Tại bệnh viện này, nếu thực sự khó khăn, sản phụ có thể sinh con mà chỉ cung cấp danh tính cho cố vấn của bệnh viện. Họ có thể rời đi và không mang theo đứa trẻ.
Hướng dẫn yêu cầu các bệnh viện cử nhân viên xác nhận và quản lý thông tin cá nhân của các sản phụ, bao gồm họ tên, địa chỉ và ngày sinh.
Sau khi một đứa trẻ được sinh ra, bệnh viện sẽ phải báo cáo cho văn phòng hướng dẫn trẻ em địa phương. Cơ quan này sẽ phối hợp với chính quyền thành phố nơi bệnh viện đặt trụ sở để bảo vệ trẻ sơ sinh, đăng ký khai sinh và bố trí việc chăm sóc nuôi dưỡng. Sau đó, chính quyền thành phố sẽ tạo một sổ đăng ký gia đình, để trống tên của người mẹ, cho đứa trẻ.
Các nhân viên bệnh viện cần thỏa thuận trước với sản phụ về thời điểm có thể tiết lộ danh tính của họ cho con để đảm bảo quyền biết gốc gác của đứa trẻ. Tuy nhiên, Bộ Y tế không quy định trẻ em đến bao nhiêu tuổi mới được quyền tiếp cận thông tin. Vấn đề này sẽ phụ thuộc vào quyết định của từng bệnh viện.
Một quan chức của Bộ Y tế Nhật Bản cho biết việc ban hành hướng dẫn này không nhằm mục đích khuyến khích các sản phụ sinh con ẩn danh.
“Quan điểm cốt lõi của chúng tôi vẫn là sản phụ cần cung cấp danh tính khi sinh con – khi xét đến tầm quan trọng của việc biết về gốc gác của đứa trẻ cũng như đảm bảo hỗ trợ cho bà mẹ-trẻ em trong quá trình nuôi dưỡng. Các cơ quan có liên quan cần phối hợp để thuyết phục sản phụ cung cấp thông tin cá nhân”, quan chức giấu tên chia sẻ.
Năm 2014, Đức đã xây dựng một hệ thống mà qua đó phụ nữ có thể sinh con sau khi chỉ tiết lộ danh tính cho một nhân viên tư vấn thai nghén bên ngoài bệnh viện. Trẻ em có thể hỏi về danh tính của mẹ ruột sau khi đủ 16 tuổi.