Trong 15 năm qua, bệnh viện Jikei là nơi duy nhất tại Nhật Bản mà một đứa trẻ có thể bị bỏ rơi một cách an toàn. Bệnh viện này cũng cung cấp đường dây nóng hỗ trợ sinh sản hoạt động 24/7 và chương trình sinh con bí mật duy nhất tại "xứ sở Mặt trời mọc".
Mặc dù nhiều lần trở thành tâm điểm chỉ trích nhưng người đứng đầu bệnh viện, bác sĩ Takeshi Hasuda, cho rằng cơ sở này đóng vai trò như một cơ sở an toàn cần thiết để bảo vệ những người phụ nữ dễ bị tổn thương.
“Có những người phụ nữ ngoài kia cảm thấy xấu hổ khi bản thân mang thai, như thể mình đã làm gì sai trái và họ rất sợ hãi. Đối với họ, những nơi như bệnh viện này, không cấm cản và khiến họ nghĩ mình được chào đón là điều rất quan trọng”, bác sĩ Hasuda chia sẻ.
“Nếu chúng tôi thấy những người phụ nữ mang thai ở gần bệnh viện, chúng tôi sẽ ra hỏi liệu họ có thấy thoải mái khi chia sẻ câu chuyện”, nhân viên bệnh viện Saori Taminaga cho biết.
Bệnh viện sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe cho những bà bầu này, hỗ trợ sinh và động viên họ để lại thông tin có thể giúp đứa trẻ tìm về nguồn cội sau này.
"Chúng tôi kiên trì thuyết phục cho đến khi tiếng chuông vang lên. Một khi điều đó xảy ra, đó cũng là lúc chúng tôi phải từ bỏ”, Saori nói. Những đứa trẻ bị bỏ rơi sẽ được đặt vào một khung cửa nhỏ, có tên là “Hộp em bé”. Nhân viên y tế sẽ đón đứa trẻ qua lối cửa đó và chăm sóc bé an toàn. Bệnh viện Jikei áp dụng mô hình “Hộp em bé” từ năm 2007, lấy ý tưởng từ hệ thống của Đức.
Bệnh viện Jikei coi “Hộp em bé” là một cách để ngăn chặn vấn nạn lạm dụng và tử vong ở trẻ em Nhật Bản. Năm 2020, cảnh sát Nhật Bản ghi nhận 27 trẻ em bị bỏ rơi và ít nhất 57 trẻ em tử vong vì bị lạm dụng.
Bác sĩ Hasuda cho biết những đứa trẻ bị bỏ rơi tại bệnh viện là hậu quả từ những hành vi mại dâm, hiếp dâm và loạn luân, khi người mẹ không tìm thấy nơi nào nương tựa. Ông nói: “Tôi nghĩ bệnh viện đã đưa ra giải pháp cuối cùng cho những phụ nữ bị xã hội xa lánh”. Từ lúc triển khai “Hộp em bé”, bệnh viện đã nhận tổng cộng 161 trẻ sơ sinh và trẻ tập đi.
Hình thức “Hộp em bé” đã tồn tại trong nhiều thế kỷ và xuất hiện ở nhiều quốc gia như Đức, Hàn Quốc, Pakistan, Mỹ và Pháp. Tuy nhiên, tại một số nước, “Hộp em bé” bị coi là điều cấm và bị Liên hợp quốc chỉ trích xâm phạm quyền biết danh tính và cha mẹ của một đứa trẻ.
Theo Chiaki Shirai, chuyên gia nghiên cứu về sinh sản và nhận con nuôi tại Đại học Shizuoka, những gì bệnh viện Jikei đang làm vấp phải sự hoài nghi ở Nhật Bản, một phần vì những quan niệm truyền thống về gia đình.
Ông Shirai giải thích từ lâu quan niệm ai sinh con ra thì phải nuôi con đã ăn sâu vào tư tưởng xã hội Nhật Bản, đến mức con cái gần như được coi là tài sản của cha mẹ. Những đứa trẻ bị bỏ rơi và không có gia đình trong hệ thống thông tin quốc gia bị kỳ thị nặng nề.
Bất chấp việc thông tin được che giấu, các quan chức phúc lợi trẻ em thường tìm cách truy nguồn gốc gia đình của những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại bệnh viện. Kết quả là khoảng 80% các em biết được danh tính của gia đình mình và 20% đã trở về với cha mẹ hoặc người thân.
Chuyên gia Shirai chỉ ra những phụ nữ dùng dịch vụ sinh bí mật hoặc bỏ con phải đối mặt với những phán xét xã hội vì không lựa chọn các phương án khác, bao gồm lựa chọn phá thai.
Phá thai được coi là hành vi hợp pháp ở Nhật Bản từ năm 1948 và có hiệu lực trước khi thai 22 tuần tuổi, nhưng cần có sự đồng ý của bạn đời. Các trường hợp ngoại lệ chỉ được áp dụng trong trường hợp bị hiếp dâm hoặc lạm dụng, hoặc người chồng chết hay mất tích.
Bác sĩ Hasuda cảm thấy xã hội thường thích đổ lỗi cho phụ nữ hơn là giúp đỡ họ. “Mức độ cảm thông của xã hội đối với những người phụ nữ này dường như rất thấp, nếu không muốn nói là hoàn toàn không có”, ông bày tỏ.