Nhật Bản cho phép sử dụng Ronapreve để chữa trị cho bệnh nhân ngoại trú

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) vừa quyết định cho phép sử dụng hỗn hợp kháng thể đơn dòng Ronapreve để chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19 ngoại trú tại một số cơ sở y tế.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại một sự kiện ở Tokyo. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, do có các báo cáo về phản ứng dị ứng nghiêm trọng đối với Ronapreve ở nước ngoài, MHLW đã tỏ ra khá thận trọng về việc sử dụng hỗn hợp kháng thể này cho các bệnh nhân ngoại trú khi chỉ cho phép sử dụng Ronapreve để chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19 nội trú và những người đang tự hồi phục tại các khách sạn và cơ sở y tế tạm thời đáp ứng các tiêu chí nhất định. Tuy nhiên, do số ca F0 tự hồi phục tại nhà đang tăng nhanh trên toàn quốc nên MHLW đã phải thay đổi quan điểm này.

Theo quyết định trên, các bệnh nhân COVID-19 ngoại trú sẽ chỉ được chữa trị bằng Ronapreve tại các cơ sở y tế có thể tiếp nhận họ khi sức khỏe của họ xấu đi. Ngoài ra, các bệnh nhân này cũng cần được giám sát qua điện thoại hoặc các phương tiện khác trong vòng 24 giờ sau khi sử dụng thuốc.

Cho đến ngày 25/8 đã có khoảng 10.000 người được chữa trị bằng Ronapreve tại khoảng 1.400 cơ sở y tế trên toàn đất nước Nhật Bản và giới chức y tế nước này chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào có phản ứng phụ nghiêm trọng với Ronapreve. Theo MHLW, bộ này đã có đủ nguồn cung Ronapreve để chữa trị cho các bệnh nhân ngoại trú. 

Ronapreve là hỗn hợp các kháng thể nhân tạo casirivimab và imdevimab do hãng dược phẩm Regeneron (Mỹ) bào chế. Khi cấp phép sử dụng khẩn cấp loại dược phẩm này hồi tháng 11 năm ngoái, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã đề nghị sử dụng Ronapreve cho các bệnh nhân ngoại trú. Quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối ở nước ngoài đối với các bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ biến chứng nghiêm trọng như những người bị béo phì, đái đường hay huyết áp cao cho thấy loại thuốc này làm giảm 70,4% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong và làm giảm thời gian phát tác các triệu chứng. 

Trong diễn biến khác liên quan, ngày 27/8, MHLW cho biết số bệnh nhân COVID-19 nguy kịch ở nước này đã tăng cao kỷ lục ngày thứ 15 liên tiếp, vượt ngưỡng 2.000 người, cao hơn rất nhiều so với mức đỉnh của đợt bùng phát thứ 4 là 1.413 ca. Trong 47 tỉnh, thành ở Nhật Bản, Osaka có số bệnh nhân nguy kịch cao nhất (510 người). Tiếp theo là Tokyo (276 ca), Kanagawa (249 ca) và Saitama (161 ca).

Thanh Tùng (TTXVN)
Nhật Bản mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp
Nhật Bản mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 25/8, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định đưa thêm 8 tỉnh vào danh sách áp dụng tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh nước này phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm lớn nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát đầu năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN