Nhật Bản cấp hộ chiếu vaccine trong mùa Hè này

Nhật Bản sẽ phát hành giấy chứng nhận tiêm ngừa COVID-19 vào mùa hè này nhằm cho phép những công dân đã tiêm chủng được ra nước ngoài, cũng như tạo cú hích cho nền kinh tế.

Giấy chứng nhận tiêm vaccine, hay còn gọi là hộ chiếu vaccine, đang được sử dụng trên khắp thế giới. Liên minh châu Âu (EU) sẽ thông qua giấy chứng nhận này từ tháng 7 trước khi dỡ bỏ các hạn chế đối với việc đi lại trong khối.

Hiện tại, một số quan chức cấp cao của chính phủ Nhật Bản đã phải đem theo các chứng nhận tiêm chủng không chính thức khi đi công tác ở châu Âu, Mỹ và nhiều nơi khác. 

Chú thích ảnh
Với chứngnhận tiêm chủng kỹ thuật số của Liên minh châu Âu, người sở hữu được miễn quy định cách ly và xét nghiệm COVID-19 khi đi lại trong liên minh. Nhật Bản sắp ra mắt một hệ thống tương tự. Ảnh: AP

Theo báo tài chính Nikkei, nhóm quan chức liên ngành do Chánh văn phòng Nội các Katsunobu Kato đứng đầu đang thảo luận về chương trình cấp hộ chiếu vaccine chính thức cho doanh nhân và một số nhóm đối tượng khác. Theo đó, họ sẽ ra mắt chứng chỉ giấy vào mùa hè này, sau đó là phiên bản kỹ thuật số - có thể được sử dụng thông qua ứng dụng điện thoại thông minh - vào cuối năm nay.

Chiến dịch tiêm ngừa COVID-19 của Nhật Bản chậm hơn so với các quốc gia phát triển khác, nhưng vừa nhập thêm nhiều vaccine của Mỹ. Quốc gia này đã tiến hành tiêm chủng cho công dân từ 65 tuổi trở lên từ tháng 4 và sẽ tiêm chủng tại các công ty từ ngày 21/6.

Tấm hộ chiếu vaccine được kỳ vọng sẽ cho phép các doanh nhân ở những quốc gia khác nhau được gặp mặt trực tiếp thông qua việc giảm bớt nguy cơ lây nhiễm đối với cả người doanh nhân lẫn nước sở tại.  

Ông Ken Kobayashi, Chủ tịch Hội đồng Ngoại thương Nhật Bản, cho biết: “Từ quan điểm của một doanh nhân, sở hữu tấm hộ chiếu vaccine là điều lý tưởng để được di chuyển tự do”.

Tại Nhật Bản, hộ chiếu vaccine sẽ do chính quyền địa phương cấp. Đây là nơi nắm thông tin về cư dân cũng như phụ trách hoạt động tiêm vaccine. Thông tin cá nhân gồm danh tính, loại vaccine và ngày tiêm sẽ được liệt kê vào giấy chứng nhận. Chính phủ Nhật Bản sẽ đảm bảo tính chính xác bằng cách liên kết các chứng nhận với hệ thống hồ sơ tiêm chủng quốc gia.

Người dùng sẽ xuất trình hộ chiếu vaccine khi đi các chuyến bay quốc tế và nhập cảnh nước ngoài. Người nước ngoài sinh sống tại Nhật Bản đang muốn trở về quê hương là một trong những đối tượng mong chờ hộ chiếu vaccine ra mắt, bên cạnh những công dân Nhật Bản muốn ra nước ngoài học tập và kinh doanh.

Chú thích ảnh
Hành khách tại sân bay Changi, Singapore. Ảnh: Reuters

Chương trình hộ chiếu vaccine của Tokyo được học hỏi từ dự án Chứng chỉ COVID kỹ thuật số của EU sắp ra mắt vào ngày 1/7. Chứng chỉ của EU được cấp cho những người đã được tiêm phòng hoặc đã khỏi COVID-19, giúp họ được miễn trừ quy định tự cách ly và xét nghiệm khi di chuyển trong khối. 7 quốc gia EU đã thử nghiệm chương trình hộ chiếu vaccine EU từ tháng này.

Vào ngày 31/5, Ủy ban châu Âu (EC) khuyến nghị các thành viên dần dần nới lỏng biện pháp hạn chế đi lại, cũng như xem xét cấp hộ chiếu vaccine. EU sẽ cho phép nhập cảnh du khách từ bên ngoài khối, chẳng hạn như Mỹ và Nhật Bản, nếu họ tiêm loại vaccine được EU chấp thuận.

Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng hộ chiếu vaccine có thể dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử với những người không được tiêm chủng. Tại Mỹ, giới chức các bang đang áp dụng những cách tiếp cận khác nhau về vấn đề này. Hồi tháng 3, New York đã ra mắt ứng dụng điện thoại Excelsior Pass hiển thị lịch sử tiêm chủng của một cá nhân. Ứng dụng này đã được tải xuống hơn 1 triệu lần.

Nhưng bang Georgia lại cấm các cơ quan công quyền của bang sử dụng hộ chiếu vaccine.  Thống đốc bang Brian Kemp nói rằng tiêm chủng là một quyết định cá nhân giữa mỗi người dân và một chuyên gia y tế, không phải của chính quyền tiểu bang.

Georgia tuyên bố không chia sẻ hồ sơ tiêm chủng của tiểu bang với bất kỳ tổ chức công hoặc tư nhân nào vì mục đích xây dựng hộ chiếu vaccine, mặc dù vẫn tiếp tục thúc giục người dân đi tiêm vaccine. Theo truyền thông Mỹ, ít nhất 10 bang tại nước này có những quy tắc hạn chế tương tự.

Nhật Bản đang thảo luận về vấn đề này một cách thận trọng. Giới chuyên gia kêu gọi chính phủ ban hành bộ hướng dẫn thống nhất để tránh chồng chéo giữa những quy tắc của các công ty và các khu vực nhằm nhanh chóng đưa các hoạt động kinh tế trở lại bình thường.

Hợp tác quốc tế sẽ là yếu tố cần thiết để chương trình hộ chiếu vaccine được hoạt động trơn tru. Nhóm G-7 khẳng định các nước cần phải làm việc cùng nhau để tạo ra khuôn khổ công nhận hộ chiếu vaccine của nhau, trong đó Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đóng vai trò trung tâm.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
100 cựu lãnh đạo thế giới kêu gọi G7 chi tiền vaccine COVID-19 cho nước nghèo
100 cựu lãnh đạo thế giới kêu gọi G7 chi tiền vaccine COVID-19 cho nước nghèo

230 nhân vật quyền lực, trong đó có hơn 100 cựu Thủ tướng, Tổng thống và Ngoại trưởng đã cùng ký thư ngỏ kêu gọi các nước G7 trả hơn 60% chi phí cần thiết để tiêm vaccine Covid-19 cho nước nghèo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN