Nhật Bản cạnh tranh với Mỹ, Trung tại châu Phi

Truyền thông châu Phi và khu vực Trung Đông ngày 27/8 nhận định với cam kết đầu tư hơn 30 tỷ USD vào châu Phi trong ba năm tới, Nhật Bản đang cạnh tranh với Mỹ, Trung Quốc và các cựu cường quốc thực dân châu Âu như Anh, Pháp để gia tăng ảnh hưởng tại “lục địa Đen”.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (thứ 2 trái) và các nhà lãnh đạo châu Phi chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị TICAD. Ảnh: EPA/TTXVN

Trước đó ngày 27/8, phát biểu khai mạc Hội nghị quốc tế Tokyo về Phát triển châu Phi (TICAD) lần thứ 6 diễn ra tại thủ đô Nairobi của Kenya, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết Tokyo sẽ đầu tư gần 32 tỷ USD để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các nước châu Phi, cũng như cải thiện hệ thống hạ tầng tại châu lục trong vòng ba năm tới.

Theo ông Abe, cam kết đầu tư của Nhật Bản vào châu lục với 1,2 tỷ dân này cho thấy Tokyo có niềm tin vào tương lai phát triển của châu Phi. Tham dự hội nghị TICAD lần đầu tiên diễn ra bên ngoài Nhật Bản có 34 nhà lãnh đạo châu Phi, trong đó có nước Nam Phi, Nigeria, Ivory Coast (Bờ Biển Ngà) và Uganda.

Theo đánh giá từ báo điện tử "Gulfnews" của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), với khoản cam kết đầu tư nêu trên, Nhật Bản đang tranh giành ảnh hưởng tại châu Phi với Mỹ, Trung Quốc và các cựu cường quốc thực dân châu Âu như nước Anh và Pháp.

Trung Quốc, với số vốn đầu tư vào các quốc gia vùng Nam Sahara đã tăng 40 lần kể từ năm 2003 tới nay, đã cam kết đầu tư 60 tỷ USD vào châu Phi khi Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự Hội nghị cấp cao châu Phi - Trung Quốc, diễn ra tại Nam Phi năm 2015.

Số vốn cam kết của Bắc Kinh được thực hiện dưới hình thức các khoản vay ưu đãi và hỗ trợ tài chính cho các dự án phát triển. Trong khi đó, Mỹ cũng đã cam kết đầu tư 14 tỷ USD vào lục địa này tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi năm 2014.

Trong gói cam kết gần 32 tỷ USD của Nhật Bản dành cho châu Phi, 10 tỷ USD sẽ được đầu tư cho các dự án phát điện và nâng cấp mạng lưới giao thông đô thị và cảng biển. Chính phủ Nhật Bản sẽ phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) trong thúc đẩy đầu tư tư nhân vào châu Phi, nhất là trong các lĩnh vực hạ tầng, vệ sinh môi trường, điện năng và giảm nghèo.

Phát biểu trước các nhà lãnh đạo châu Phi tại TICAD, Thủ tưởng Abe khẳng định với 47 tỷ USD đã đầu tư vào châu Phi trong 23 năm qua, Nhật Bản mong muốn kết nối châu Phi với châu Á thông qua các tuyến đường biển. Nhà lãnh đạo Nhật Bản nhấn mạnh: "Đây sẽ là tuyến đường huyết mạch vì sự phát triển và thịnh vượng. Châu Phi và Nhật Bản sẽ cùng chia sẻ các lợi ích chung".


Trong một diễn biến khác, trước thềm TICAD lần thứ sáu diễn ra trong hai ngày 27-28/8 tại thủ đô Nairobi của Kenya, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim nhận xét châu Phi cần hơn 90 tỷ USD/năm để đầu tư cho các dự án phát triển hạ tầng trong khu vực.

Ông Kim nói rằng châu Phi hiện có nhiều cơ hội đầu tư tư nhân cho lĩnh vực hạ tầng, đồng thời nhấn mạnh WB sẽ cung cấp các công cụ cần thiết để giúp huy động các nguồn vốn cho châu Phi. Người đứng đầu định chế tài chính quốc tế đa phương còn nhận định: "Thật sai lầm khi nói tất cả các thỏa thuận với châu Phi đều có rủi ro. Vai trò của WB là hỗ trợ nhằm loại bỏ các rủi ro và thúc đẩy các dự án đầu tư tại châu Phi".

Liên quan đến TICAD, ông Kim cho rằng đây sẽ là cơ hội lớn đối với nền kinh tế châu Phi. Chủ tịch WB nói thêm Nhật Bản đã tăng mạnh đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào châu Phi, song nguồn vốn này chiếm chưa tới 1% tổng FDI của Nhật Bản ra nước ngoài. Theo ông Kim, nhịp độ tăng trưởng kinh tế của châu Phi sẽ chậm lại ở mức khoảng 2,5% trong năm 2016, so mức tăng bình quân trên 5% trong các năm 2008-2014.

Nguyễn Trường (P/v TTXVN tại Ai Cập)
Ấp ủ kế hoạch đưa tê giác châu Phi tới xứ sở chuột túi
Ấp ủ kế hoạch đưa tê giác châu Phi tới xứ sở chuột túi

Một người Nam Phi sống tại Australia đang ấp ủ một kế hoạch đưa tê giác từ Nam Phi đến xứ sở chuột túi nhằm bảo vệ chúng khỏi những kẻ săn trộm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN