Hai mẹ con tê giác trắng. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ông Ray Dearlove (68 tuổi) sống tại Australia 30 năm nay đã thành lập "Dự án Tê giác Australia" năm 2013, đặt mục tiêu đưa 80 con tê giác sang Australia trong vòng 4 năm.
Riêng từ nay tới cuối năm ông dự định đưa 6 con về "ngôi nhà mới", là một công viên động vật hoang dã, hiện vẫn được giữ bí mật vì lý do an ninh. Công viên này sẽ trở thành một "ngân hàng giống" để tạo ra các thế hệ tê giác tương lai.
Chi phí dự kiến để đưa một con tê giác từ châu Phi qua hành trình dài 11.000 km bằng máy bay đến Australia sẽ lên tới 44.000 USD. Nguồn tài trợ từ các tập đoàn và khu vực tư nhân hiện đã sẵn sàng và những con tê giác đầu tiên đã được chọn từ một khu bảo tồn tư nhân ở Nam Phi.
Tuy nhiên, ông Dearlove vẫn phải đối mặt với những khó khăn lớn về hậu cần trước khi có thể biến giấc mơ của mình thành hiện thực. Chính quyền Nam Phi và Australia áp đặt các quy định rất chặt chẽ về di chuyển động vật.
Các con tê giác sẽ bị nhốt trong một khu vực cách ly trong hai tháng trước khi được đưa lên máy bay và sau đó lại phải trải qua quá trình cách ly tại một sở thú ở Sydney trước khi được đưa tới "nhà mới".
Bộ trưởng Các vấn đề môi trường Nam Phi Edna Molewa cho biết có rất nhiều việc cần làm vì mục đích của dự án trên chưa rõ ràng. Ông cũng đặt một câu hỏi lớn về chi phí cho toàn bộ công việc cách ly kiểm dịch, một khoản chi phí lớn và chưa biết ai sẽ chi trả.
Nam Phi hiện có khoảng 20.000 con tê giác, chiếm 80% số lượng loài động vật này trong thiên nhiên hoang dã của thế giới. Tuy nhiên, nạn săn bắn tê giác để lấy sừng đang đe dọa loài động vật quý hiếm này.
Sừng tê giác chủ yếu là chất keratin, giống như móng tay của con người, nhưng lại được quảng cáo là có công dụng chữa bệnh ung thư và nhiều bệnh khác, và được bán với giá rất đắt.
Theo Tổ chức Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN), năm 2015, có tới 1.338 con tê giác bị sát hại ở châu Phi, mức cao nhất kể từ khi bùng nổ cuộc khủng hoảng săn bắn trộm tê giác năm 2008. IUCN xếp tê giác trắng vào danh sách các loài "sắp bị tuyệt chủng".
Việc di chuyển động vật xuyên biên giới không phải là mới ở châu Phi. Nhóm "Tê giác Không biên giới" đã từng tham gia di chuyển ít nhất 100 con tê giác từ Nam Phi sang nước láng giềng Botswana trong những năm gần đây.
Botswana là một điểm đến được đánh giá cao vì các công viên quốc gia của họ nổi tiếng về khả năng bảo vệ động vật trước những đối tượng săn bắt trộm. Đối với ông Dearlove, Australia chưa chắc chắn là một giải pháp cứu tê giác, nhưng ở đây có khí hậu phù hợp và vấn đề đã đến mức cấp bách.