Công ty Chứng khoán Mizuho tính toán rằng, lệnh tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Tokyo, Osaka, Hyogo và Kyoto trong thời gian từ ngày 25/4 - 11/5 sẽ khiến GDP của Nhật Bản giảm khoảng 400 tỉ yên (4 tỉ USD), tương đương mức giảm 0,1%. Các yếu tố ảnh hưởng chủ yếu là tiêu dùng cá nhân sụt giảm khi chính phủ yêu cầu người dân hạn chế đi lại trong dịp nghỉ lễ dài ngày vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5, thiệt hại từ yêu cầu đóng cửa đối với các cơ sở thương mại lớn và rút ngắn thời gian kinh doanh đối với các quán ăn.
Trung tâm nghiên cứu kinh tế Dai-ichi Life cũng đưa ra các nhận định tương tự và cho rằng GDP của Nhật Bản sẽ sụt giảm khoảng 446 tỉ yên.
Một trung tâm nghiên cứu khác của Nhật Bản là Daiwa nhận định rằng thiệt hại đối với kinh tế Nhật Bản do lệnh tình trạng khẩn cấp tới đây vào khoảng 300 tỉ yen. Nếu tình trạng khẩn cấp tiếp tục kéo dài 1 tháng, thiệt hại có thể lên đến 600 tỉ yên.
Trung tâm nghiên cứu tổng hợp Nomura cũng nhận định GDP Nhật Bản sẽ giảm khoảng 699 tỷ yên, tương đương mức giảm 0.13%, trong đó, thủ đô Tokyo thiệt hại 411 tỉ yên, 3 tỉnh vùng Kansai là Osaka, Hyogo, Kyoto thiệt hại khoảng 228 tỉ yên.
Trong khi đó, báo cáo của bộ phận kinh tế thuộc Ngân hàng Quốc gia Ấn Độ (SBI) ước tính, các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại nghiêm ngặt được áp dụng tại những thành phố quan trọng của Ấn Độ sẽ làm giảm động lực kinh tế và gây thiệt hại kinh tế 1.500 tỉ rupee (20 tỷ USD) đối với nước này.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, trong báo cáo công bố ngày 23/4, Tiến sĩ Soumya Kanti Ghosh, cố vấn kinh tế trưởng của SBI, nêu rõ: “Tổng thiệt hại ước tính khoảng 1.500 tỉ rupee, trong đó các bang Maharashtra, Madhya Pradesh và Rajasthan chiếm 80%. Riêng Maharashtra đã chiếm 54%”. Trong bối cảnh đó, SBI cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP tài khóa 2021-2022 của Ấn Độ xuống 10,4% so với mức 11% dự báo trước đó.
Gần đây, các nhà phân tích tại Jefferies và CARE Ratings cũng đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Ấn Độ trong tài khóa hiện tại do những diễn biến phức tạp liên quan tình hình dịch bệnh tại quốc gia Nam Á này. Theo đó, CARE Ratings hạ dự báo tăng trưởng GDP tài khóa 2021-2022 của Ấn Độ từ 10,7% - 10,9% dự báo trước đó xuống 10,2%. Trong khi đó, các nhà phân tích tại Jefferies hạ 2,2 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng GDP tài khóa 2021-2022 xuống còn 11%.