Theo đài Sputnik, ông Koffi Kouakou, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu châu Phi -Trung Quốc của Đại học Johannesburg (Nam Phi) cho rằng việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tìm kiếm lời mời tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 8 tới có thể là dấu hiệu cho thấy sự rạn nứt trong Nhóm bảy nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7).
“Tổng thống Macron đang ở thế khó. Việc ông Macron mong muốn xuất hiện tại hội nghị BRICS cho thấy có sự rạn nứt trong G7 và một số thành viên bao gồm Pháp, Đức và các quốc gia khác đang mong muốn thoát khỏi đó. Bất kỳ sự việc xảy ra như thế nào, việc Pháp ‘gõ cửa’ ngỏ ý muốn tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS là rất đáng lưu tâm”, ông Kouakou nhận định.
Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, ông Kouakou cho rằng BRICS ngày càng có vị thế quan trọng hơn trên toàn cầu. Khối này chiếm hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và hơn một nửa dân số thế giới.
Hàng chục quốc gia có tầm ảnh hưởng trong khu vực, gồm các quốc gia Arab và Nam bán cầu, đã tuyên bố muốn tham gia nhóm BRICS. Ông Kouakou cho rằng điều này được thống nhất bởi tầm nhìn về một thế giới đa cực, trái ngược với “trật tự dựa trên luật lệ” do Mỹ thúc đẩy.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng Tổng thống Macron muốn tự đánh giá BRICS sẽ đi đến đâu, nhưng Paris sẽ khó thoát khỏi sự tầm ảnh hưởng của Washington. Trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 4 vừa qua, ông Macron đã gây ra làn sóng phẫn nộ ở Mỹ, khi nói rằng châu Âu không nên trở thành “chư hầu” phục vụ các chương trình nghị sự của một cường quốc lớn hơn. Ông cũng nhấn mạnh nhiều người châu Âu thấy rằng lục địa này cần có quyền tự chủ chiến lược.
“Họ muốn thấy thế giới đang phát triển theo hướng nào. Sự hiện diện của họ sẽ gửi tín hiệu mạnh mẽ đến khắp nơi rằng Pháp quan tâm đến hướng đi của thế giới và đang cố gắng định vị bản thân để tận dụng lợi thế của sự thay đổi này”, ông Kouakou nói.
Đề xuất của ông Macron đã vấp phải phản ứng trái chiều từ BRICS. Bộ trưởng Hợp tác và Quan hệ Quốc tế Nam Phi Naledi Pandor cho rằng đề xuất này là bất thường. Bà cho biết Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Chủ tịch hiện tại của BRICS, sẽ là người đưa ra quyết định liệu Tổng thống Pháp có được tham dự hội nghị hay không.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết việc Tổng thống Pháp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS là “không phù hợp”. Ông Ryabkov giải thích rằng rằng lý do khiến Nga phản đối ông Macron xuất hiện tại hội nghị BRICS là do lập trường của Paris với Moskva. Theo nhà ngoại giao này, Pháp đang nỗ lực cô lập Nga và ủng hộ mục tiêu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong việc gây “thất bại chiến lược” cho Moskva trong cuộc xung đột ở Ukraine.
“Chúng tôi không che giấu quan điểm này và đã thông báo cho các đối tác Nam Phi về điều đó. Chúng tôi hy vọng quan điểm của chúng tôi sẽ được xem xét một cách toàn diện”, hãng Interfax dẫn lời ông Ryabkov cho biết.
Kể từ khi được thành lập vào năm 2001, nhóm BRICS đã phát triển thành một liên minh không chính thức và vượt qua khối G7 do Mỹ dẫn đầu về tỷ trọng GDP toàn cầu.
Ông Ryabkov cho hay gần 20 quốc gia đang tìm cách trở thành thành viên BRICS và số lượng tiếp tục gia tăng. Một số quốc gia có kế hoạch tham gia khối kinh tế này như Argentina, Iran, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Ai Cập
“Danh sách các ứng viên gia nhập BRICS tiếp tục tăng lên. Số lượng quốc gia muốn gia nhập nhóm này là gần 20 nước. Điều đó phản ánh vai trò ngày càng lớn và đáng kể của BRICS trên trường quốc tế với tư cách là một hiệp hội các quốc gia có cùng quan điểm”, ông Ryabkov nói.