Nhà máy điện hạt nhân nổi duy nhất trên thế giới hoàn thành chu kỳ nhiên liệu đầu tiên

Hai lò phản ứng của tàu Akademik Lomonosov (Nga), nhà máy điện hạt nhân nổi duy nhất trên thế giới, vừa hoàn thành việc thay thế các thanh nhiên liệu urani lần đầu tiên kể từ khi đi vào hoạt động năm 2020.

Chú thích ảnh
Tàu Akademik Lomonosov đang neo đậu tại cảng Pevek ở Bắc Cực. Ảnh: thebarentsobserver

Akademik Lomonosov không chỉ là nhà máy điện hạt nhân nổi duy nhất, mà còn là đơn vị sản xuất nhiệt và điện nằm xa về phía Bắc nhất trên thế giới. Với công nghệ lò phản ứng tương tự các tàu phá băng hạt nhân của Nga, chu kỳ nhiên liệu tại nhà máy yêu cầu thay đổi các thanh urani từ 3 đến 5 năm một lần.

Tháng 1/2025 đánh dấu cột mốc quan trọng khi nhà máy này đã sản xuất được một tỷ kilowattgiờ điện, theo báo cáo của Tập đoàn năng lượng hạt nhân Quốc gia Nga (Rosatom).

Rosatom thông báo, việc thay thế các thanh nhiên liệu urani ở lò phản ứng thứ hai đã hoàn tất. Trước đó, lò phản ứng đầu tiên đã thay nhiên liệu vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

Nhà máy được đặt tại bờ biển thuộc vùng biển phía Đông Siberia, trên bán đảo Chukotka, cung cấp điện cho lưới điện tách biệt hoàn toàn với phần còn lại của Nga. Các khách hàng chính gồm khu định cư Pevek và mỏ Baimskaya cùng nhà máy chế biến quặng sắp được xây dựng tại khu vực này.

Rosatom cho biết các thanh nhiên liệu urani mới đã được vận chuyển đến Pevek trong các thùng chứa đặc biệt qua Tuyến đường biển Bắc. Tuy nhiên, không có thông tin chi tiết về con tàu thực hiện nhiệm vụ này.

Theo quy định quốc tế, các tàu vận chuyển vật liệu phóng xạ, đặc biệt là urani, phải tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Cơ quan quản lý tuyến đường biển Bắc cho biết tàu Rossita, một tàu chuyên dụng của Rosatomflot, đã được cấp phép hoạt động tại vùng biển phía Bắc Siberia từ ngày 25/9 đến 30/11/2024. Tuy nhiên, không rõ Rossita có phải là tàu vận chuyển nhiên liệu đến Pevek hay không.

Một video do Rosatom đăng tải cho thấy các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng được lấy ra từ lò phản ứng và lưu trữ trên tàu Akademik Lomonosov.

Dự kiến, các thanh nhiên liệu này sẽ được lưu trữ trên tàu trong vài năm trước khi vận chuyển về Murmansk. Tại đây, chúng sẽ được chuyển từ tàu sang đường sắt để tiếp tục tái chế tại nhà máy RT-1 ở vùng Chelyabinsk.

Barents Observer từng đưa tin về con tàu chuyên dụng mới của Rosatomflot đang được đóng tại nhà máy Baltisky ở St. Petersburg. Tàu này sẽ có lớp băng Arc5 (được gia cố vững chắc theo tiêu chuẩn quốc tế), cho phép hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt của vùng Bắc Cực.

Dự kiến, con tàu mới sẽ thay thế tàu Imandra, chiếc tàu hơn 40 năm tuổi hiện đang phục vụ các tàu phá băng hạt nhân của Nga.

Việc hoàn thành chu kỳ nhiên liệu đầu tiên của tàu Akademik Lomonosov là một minh chứng cho năng lực công nghệ và khả năng vận hành trong môi trường khắc nghiệt của Nga, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế và an ninh năng lượng ở khu vực Bắc Cực.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo thebarentsobserver)
Mỹ thúc đẩy xây nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên
Mỹ thúc đẩy xây nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên

Hai công ty năng lượng Westinghouse Electric và CORE POWER vừa công bố thỏa thuận hợp tác phát triển nhà máy điện hạt nhân nổi (FNPP), đánh dấu bước tiến mới của Mỹ trong lĩnh vực đang được Nga và Trung Quốc dẫn đầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN