Theo kết quả kiểm phiếu tại 1.521 trên tổng số 1.972 khu vực bầu cử, ông Nauseda, 55 tuổi, đã nhận được 72% số phiếu ủng hộ, bỏ xa cựu Bộ trưởng Tài chính Simonyte với 28% số phiếu ủng hộ.
Phát biểu trước những người ủng hộ, ông Nauseda cam kết sẽ thay đổi tình hình chính trị tại Litva để người dân có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ông Nauseda nhấn mạnh với tư cách là ứng viên độc lập, nhiệm vụ của ông trong chiến dịch tranh cử là đoàn kết người dân Litva bất kể họ sinh sống ở đâu. Ông cũng cam kết duy trì lập trường cứng rắn của Tổng thống đương nhiệm Dalia Grybauskaite.
Thách thức đầu tiên của ông Nauseda hiện nay sẽ là giải quyết cuộc khủng hoảng chính phủ. Trong chiến dịch tranh cử, ông từng cam kết sẽ dùng quyền lực để giúp doanh nghiệp mở rộng tại các thị trường phát triển, đặc biệt là Trung Quốc, cũng như yêu cầu chính phủ tăng thu nhập và hỗ trợ cho các dịch vụ xã hội, như hưu trí.
Về phần mình, cựu Bộ trưởng Tài chính Simonyte đã chúc mừng ông Nauseda và tuyên bố sẽ tôn trọng kết quả bầu cử.
Ngày 12/5 vừa qua, người dân Litva đã bắt đầu bỏ phiếu nhằm chọn ra vị tổng thống mới. Kết quả kiểm phiếu sơ bộ sau đó cho thấy không có ứng cử viên nào giành trên 50% phiếu ủng hộ để đắc cử vòng một. Do đó, ông Nauseda và cựu Bộ trưởng Tài chính theo đường lối bảo thủ Simonyte đã bước vào bỏ phiếu vòng hai.
Ngay sau khi kết quả sơ bộ được công bố, Thủ tướng theo đường lối trung tả Saulius Skvernelis đã tuyên bố từ chức vào tháng 7 tới.
Theo quy định của Hiến pháp, tổng thống Litva chịu trách nhiệm đề ra đường hướng đối ngoại và tham dự các hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU). Tổng thống có quyền bổ nhiệm bộ trưởng, thẩm phán, người đứng đầu quân đội và ngân hàng trung ương, song thường có tham vấn quốc hội hoặc thủ tướng.
Litva là một quốc gia nhỏ ở vùng Baltic với dân số chưa đến 3 triệu người và là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nền kinh tế tại Litva ước tính sẽ tăng khoảng 3% trong năm nay, song tỷ lệ người dân có nguy cơ nghèo đói cao và bất bình đẳng thu nhập gia tăng vẫn là những thách thức lớn đối với quốc gia này. Litva cũng nằm trong số những quốc gia có tỷ lệ bất bình đẳng thu nhập cao nhất trong EU, chỉ xếp sau Bulgaria.