Nguyên nhân người Sri Lanka cầu mưa

Khi mùa mưa bắt đầu, hy vọng về năng lượng thủy điện lại tăng lên ở Sri Lanka, quốc gia Nam Á đang đối mặt với tình trạng mất điện nghiêm trọng.

Chú thích ảnh
Người điều khiển xe 3 gác Sri Lanka xếp hàng mua xăng tại thủ đô Colombo ngày 13/4. Ảnh: AP

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết thủy điện được coi là giải pháp trung hạn cho Sri Lanka trong bối cảnh nhiều nhà máy năng lượng đóng cửa.

Thủy điện có thể cung cấp 40% nhu cầu năng lượng Sri Lanka nhưng đợt khô hạn gần đây khiến nó mới chỉ đóng góp được 20%. 10-12% nhu cầu năng lượng của Sri Lanka được đáp ứng qua năng lượng tái tạo. Điều này đồng nghĩa với việc Sri Lanka phụ thuộc vào các nhà máy năng lượng dùng nhiên liệu hóa thạch để đáp ứng 70% nhu cầu còn lại.

Với dân số 22 triệu người, nhu cầu về điện hàng ngày tại Sri Lanka là 4.000 gigawatt giờ. Tuy nhiên, kể từ tháng 1, công ty điện lực lớn nhất Sri Lanka là CEB lại không thể duy trì được cung cấp năng lượng ở mức này. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bắt nguồn từ năng lượng thủy điện hạ thấp trong mùa khô và việc Sri Lanka chuyển dịch năng lượng tái tạo chậm. Điều này thêm tồi tệ bởi khủng khoảng ngoại tệ và giá dầu, than đá tăng mạnh ở thị trường toàn cầu.

Sau vụ việc mất điện trên toàn quốc vào ngày 3/12/2021, nhà máy năng lượng lớn nhất Sri Lanka tại Norochcholai đã buộc phải đóng cửa trong gần 6 tuần. Thực trạng này dẫn đến thiếu hụt 300 megawatt giờ điện mỗi ngày.

Hai tàu chở theo 120.000 tấn than đá đã thả neo ngoài khơi gần với nhà máy Norochcholai trong 6 ngày bởi Sri Lanka không thể xoay xở để chi trả cho số hàng này. Đến tối 18/4, ngân hàng trung ương mới có ngoại tệ để thanh toán cho 120.000 tấn than đá này.

Nhà phân tích Aruna Kulatunga tại Sri Lanka đánh giá nước này đã quá phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và chậm chạp trong thi hành các dự án năng lượng tái tạo. Ở thời điểm này, Sri Lanka rơi vào tình trạng thiếu hụt ngoại tệ để chi trả cho nhiên liệu.

Sri Lanka có 3 dự án năng lượng tái tạo chính, một nhà máy năng lượng Mặt Trời ở Siyabalanduwa, tỉnh Uva; một nhà máy năng lượng Mặt Trời kết hợp với năng lượng gió tại Pooneryn; một nhà máy năng lượng gió tại Mannar, tỉnh miền Bắc.

Chủ tịch Cơ quan Năng lượng Bền vững Sri Lanka Ranjith Sepala cho biết: “Các đánh giá về tác động môi trường và xã hội đang diễn ra với nhà máy ở Pooneryn và Mannar và chúng dự kiến đi vào hoạt động từ năm tới”. Ông nói rằng hai dự án này sẽ bổ sung thêm 700 MWh mỗi ngày cho Sri Lanka.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng mua xăng tại Colombo ngày 2/4. Ảnh: AP

Tại cuộc gặp với Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva vào ngày 18/4, Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka Ali Sabry đã đề nghị IMF cấp công cụ tài chính nhanh chóng nhằm giảm thiểu các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng hiện nay.

Sri Lanka đang tìm kiếm 3 tỷ USD trong những tháng tới từ nhiều nguồn, trong đó có IMF, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ấn Độ để đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay. Tuần trước, Chính phủ Sri Lanka đã quyết định đình chỉ việc trả một số khoản nợ nước ngoài trong khi chờ một chương trình tái cơ cấu nợ có trật tự và được sự đồng thuận của IMF.

Sri Lanka đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ khi giành độc lập vào năm 1948. Quốc gia này hiện phải đối mặt với tình trạng thiếu ngoại hối, nhiên liệu và các nguồn cung cấp thiết yếu khác cũng như lạm phát gia tăng.

Hà Linh/Báo Tin tức
IMF khen ngợi nỗ lực khắc phục khó khăn của Sri Lanka
IMF khen ngợi nỗ lực khắc phục khó khăn của Sri Lanka

Ngày 19/4, Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka Ali Sabry cho biết Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đánh giá cao các nỗ lực của Sri Lanka nhằm ổn định nền kinh tế nước nhà.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN