Nguyên do Trung Quốc chủ trương xích lại gần Hàn Quốc

Trung Quốc đã có động thái đẩy mạnh quan hệ với láng giềng Hàn Quốc trong bối cảnh Mỹ có thể hình thành liên minh đối trọng với nước này.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong một sự kiện. Ảnh: Newsweek

Nâng cao quan hệ láng giềng

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 26/1 nhất trí “thúc đẩy trao đổi cấp cao” giữa hai quốc gia. Trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc 8 tháng qua, cả ông Tập Cận Bình và ông Moon Jae-in thống nhất thiết lập lại lịch trình thăm Seoul của lãnh đạo Trung Quốc vốn bị trì hoãn từ năm 2020 do dịch COVID-19. Người phát ngôn Nhà Xanh Kang Min-seok cho biết hai nhà lãnh đạo còn trao đổi về “kế hoạch chi tiết phát triển quan hệ song phương trong 3 thập niên tới”.

Cũng qua cuộc điện đàm dài 40 phút, hai nhà lãnh đạo cam kết đẩy mạnh trao đổi kinh tế, hợp tác trong cuộc chiến chống COVID-19 và hướng tới giải quyết bất đồng về chương trình hạt nhân Triều Tiên. Tổng thống Moon Jae-in đề nghị Trung Quốc đóng “vai trò xây dựng” về Triều Tiên. Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình ủng hộ đối thoại liên Triều và trao đổi Washington-Bình Nhưỡng.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) dẫn nhận định của một số chuyên gia cho rằng cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo là nỗ lực của Bắc Kinh thúc đẩy quan hệ với Seoul trước viễn cảnh các nước phương Tây, dẫn đầu là Mỹ với tân Tổng thống Joe Biden chủ trương xây dựng liên minh đối trọng với Trung Quốc.

Giáo sư Park Won-gon tại Đại học Toàn cầu Handong (Hàn Quốc) đánh giá Trung Quốc đang xích lại gần Hàn Quốc bởi chính quyền Tổng thống Mỹ Biden dự kiến duy trì lập trường cứng rắn với Bắc Kinh. Theo ông Park Won-gon, Trung Quốc muốn đảm bảo rằng Hàn Quốc sẽ không là “người chơi” trong liên minh đối trọng Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu.

Đồng minh truyền thống của Mỹ là Anh đề xuất thành lập nhóm 10 nền dân chủ có tên D-10 với các quốc gia thuộc Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Hàn Quốc, Ấn Độ cùng Australia. Thủ tướng Anh Boris Johnson còn mời đại diện 10 quốc gia tới dự hội nghị cấp cao của G7 tổ chức tại nước này trong tháng 6.

Giáo sư Park Won-gon nhận định Trung Quốc đặc biệt theo dõi diễn biến này và lo ngại sau khi Hàn Quốc ngỏ ý chấp nhận lời mời của Anh và sẵn sàng tham gia vào một hội nghị Dân chủ mà Tổng thống Biden có ý định tổ chức trong năm đầu tiên nhiệm kỳ của ông.

Thế khó của Hàn Quốc

Chú thích ảnh
Một bản tin của truyền hình Hàn Quốc với sự xuất hiện của Tổng thống Moon Jae-in và người đồng cấp Joe Biden. Ảnh: AFP

Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu chính sách Asan – ông Choi Kang cho rằng cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Moon Jae-in nhiều khả năng khiến Mỹ phải “nhíu mày”. Ông Choi Kang phân tích: “Trong mắt của Washington, Trung Quốc có thể lợi dụng Hàn Quốc làm quân bài gây sức ép với Mỹ”.

Nhưng ông Brian Kim tại Trường Luật Yale đánh giá chính quyền Tổng thống Biden phải xác định Hàn Quốc miễn cưỡng trước việc phải chọn phe trong đối đầu Mỹ-Trung Quốc. Ông Brian Kim cho biết Hàn Quốc có một câu tục ngữ đại diện được cho quan điểm này, đó là “Hai con cá voi đánh nhau, tôm sẽ bị nghiền nát”.

Tổng thống Moon Jae-in trong tháng 1 cam kết phát triển liên minh truyền thống với Mỹ nhưng ông cũng nhấn mạnh về tính cần thiết của việc hợp tác với các quốc gia láng giềng. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc phát biểu trước các quan chức ngoại giao và an ninh: “Trật tự quốc tế tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương bao gồm Bán đảo Triều Tiên đang bước vào giai đoạn chuyển tiếp nhanh chóng”.

Tổng thống Moon Jae-in gọi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc. Ông cũng nhấn mạnh Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ kỷ niệm 30 năm thiêt lập quan hệ ngoại giao trong năm 2022 và cần “xây dựng nền tảng hướng tới phát triển quan hệ với Bắc Kinh”.

Ông Brian Kim đề cập đến yếu tố địa lý với khoảng cách giữa Seoul và Bắc Kinh là 1.000 km trong khi khoảng cách giữa Seoul với Washington là 11.000 km. Không chỉ gần gũi về địa lý, Hàn Quốc còn gần gũi Trung Quốc về kinh tế, giáo dục. Số du khách Trung Quốc đến Hàn Quốc gấp 6 lần du khách Mỹ. Ngoài ra, du học sinh Hàn Quốc hiện nay đến Trung Quốc nhiều hơn là Mỹ.

Theo giáo sư Park Won-gon, Hàn Quốc đang dần nằm ở trung tâm căng thẳng Mỹ-Trung Quốc bởi Washington kỳ vọng Seoul đóng vai trò trong việc đẩy Bắc Kinh khỏi chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu. Ông Park Won-gon cho rằng Hàn Quốc đã chần chừ trước sức ép từ Mỹ để cấm tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei bởi Seoul lo ngại đòn trả đũa từ Bắc Kinh.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã kêu gọi Hàn Quốc và Nhật Bản hợp tác với Mỹ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, khu vực nhiều khả năng sẽ tiếp diễn căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Ngày 24/1, ông Austin đã điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Suh Wook và nhấn mạnh rằng hợp tác giữa hai quốc gia đồng minh là then chốt, hai bên “xác nhận tầm quan trọng của việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên pháp luật và thống nhất tăng cường hợp tác trước các mối đe dọa chung”.

Tổng thống Moon Jae-in cũng chịu áp lực gắn kết quan hệ đồng minh với Washington sau khi Chủ tịch Kim Jong-un trong tháng 1 tuyên bố Washington là “đối thủ lớn nhất” của Bình Nhưỡng và cam kết đẩy mạnh năng lực quân sự Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc vẫn kỳ vọng về một đột phá khi đề nghị cần có nỗ lực để tái khởi động đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên. Ông Moon Jae-in nêu rõ đối thoại là “điều cần thiết, không phải là một lựa chọn”.

Hà Linh/Báo Tin tức
Ấn Độ áp dụng ‘đối sách ngoại giao vaccine’ với Trung Quốc
Ấn Độ áp dụng ‘đối sách ngoại giao vaccine’ với Trung Quốc

Ấn Độ đặt mục tiêu xuất khẩu vaccine COVID-19 do nước này sản xuất bao gồm Covishield và Covaxin sang các nước láng giềng càng sớm càng tốt để củng cố vị thế trong khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN