Nguồn cảm hứng vượt thời gian về chiến thắng của công lý và quyền tự quyết

Chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975 của nhân dân Việt Nam như một lời nhắc nhở vượt thời gian về chiến thắng của công lý và quyền tự quyết, truyền cảm hứng chống lại mọi sự trỗi dậy của chủ nghĩa đế quốc và tăng cường tình đoàn kết, hợp tác giữa các quốc gia đang phát triển ở Nam Bán cầu…

Đó là nhận định của Tiến sĩ Chheang Vannarith - chuyên gia phân tích ở Phnom Penh, đồng thời là Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng nhóm cố vấn của Quốc hội Vương quốc Campuchia - về sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Việt Nam (30/4/1975 - 30/4/2025).

Chú thích ảnh
Tiến sĩ Chheang Vannarith - Phó Tổng Thư ký, Trưởng nhóm Cố vấn Quốc hội Vương quốc Campuchia, trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN thường trú tại Phnom Penh. Ảnh: Quang Anh/PV TTXVN tại Campuchia

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, nhà phân tích Vannarith cho rằng ngày 30/4/1975 là sự kiện quan trọng đối với nhân dân và dân tộc Việt Nam, cũng như toàn thể nhân loại. Sự kiện phản ánh cuộc đấu tranh của một dân tộc vì nền tự do, độc lập và chủ quyền của mình. Đó là quyền của con người ở mọi quốc gia, mọi dân tộc về độc lập và thống nhất dân tộc.

Theo chuyên gia người Campuchia, cuộc đấu tranh thống nhất đất nước ở Việt Nam diễn ra trong bối cảnh chiến tranh có tại Đông Dương. Đây cũng là một di sản của Chiến tranh Lạnh, khi nước Đức lúc bấy giờ phân chia thành Đông Đức và Tây Đức, Việt Nam phân chia hai miền, và Triều Tiên vẫn chia tách hai miền đến tận ngày nay. Từ luận cứ đó, nhà phân tích Vannarith khẳng định: “Đó là vấn đề quyền con người, danh dự và phẩm giá của con người. Sự hòa hợp và thống nhất đó phản ánh ước mơ của nhân loại, của mọi dân tộc, không riêng gì nhân dân Việt Nam”.

Bên cạnh đó, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Campuchia cũng cho rằng sự kiện lịch sử 30/4/1975 còn phản ánh khả năng tự cường và phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam. Nhờ đó mà trong bối cảnh chiến tranh tàn phá, thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng kinh tế nhưng Việt Nam vẫn có thể và tiếp tục đấu tranh. Theo nhà phân tích này, điều đó cho thấy khả năng tự cường của nhân dân Việt Nam, xuất phát từ trái tim yêu nước, dám xả thân hy sinh vì đất nước. "Đó là điều chúng ta phải công nhận và trân trọng tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam thời kỳ đó”, Tiến sĩ Vannarith nhấn mạnh.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, nhà phân tích Vannarith bày tỏ ấn tượng với khả năng hồi phục sau chiến tranh, gắn liền với tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Theo ông, tuy chiến tranh đã phá hủy nặng nề hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hóa và xã hội, song đà hồi phục và phát triển của Việt Nam rất đáng ghi nhận, đặc biệt là sau công cuộc Đổi mới năm 1986. Bên cạnh đó, Việt Nam đã hội nhập nhanh vào tiến trình phát triển của khu vực và thế giới, đặc biệt sau khi gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995. Đây được xem là điểm khởi đầu quan trọng trong tiến trình hội nhập khu vực của Việt Nam, tiếp đó là việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một bước tiến mới trong tiến trình hội nhập quốc tế, hội nhập với thế giới về kinh tế và thương mại.

Trưởng nhóm cố vấn của Quốc hội Campuchia nêu rõ: “Lợi ích và thành công điển hình trong tiến trình hội nhập của Việt Nam chính là công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội. Việt Nam đang ở vị thế của một nền kinh tế phát triển mạnh và được quan tâm ở khu vực Đông Nam Á, cả về quy mô và tiềm lực kinh tế”.

Từ góc nhìn trên, chuyên gia Campuchia bày tỏ kỳ vọng về bước tiến tiếp theo của Việt Nam: đó là gia nhập Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Theo ông, ở khu vực Đông Nam Á, Indonesia đã gia nhập nhóm này và trong tương lai, nếu tốc độ phát triển kinh tế vẫn được duy trì như hiện nay, Việt Nam có thể sẽ trở thành thành viên tiếp theo của G20. “Đó là thành công lớn lao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước sau ngày giải phóng cách đây 50 năm. Có thể thấy trong 50 năm qua, Việt Nam đã thành công với tốc độ phát triển đáng ghi nhận, cũng là một hình mẫu, bài học về xây dựng kinh tế đất nước thời hậu chiến đối với các quốc gia đang phát triển”, ông nói.

Trên tinh thần đó, Phó Tổng thư ký Quốc hội Campuchia nhận định cột mốc lịch sử 30/4/1975 không chỉ có ý nghĩa với người dân Việt Nam mà còn với cộng đồng yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Ông nêu rõ: “Đó là di sản truyền cảm hứng chống lại mọi sự trỗi dậy của chủ nghĩa đế quốc và tăng cường tình đoàn kết, hợp tác giữa các quốc gia đang phát triển ở Nam Bán cầu cùng cam kết bảo vệ nền độc lập của các quốc gia và định hình một trật tự quốc tế công bằng, bình đẳng hơn”.

Huỳnh Thảo - Quang Anh (TTXVN)
Chặng đường từ cựu thù đến đối tác chiến lược toàn diện
Chặng đường từ cựu thù đến đối tác chiến lược toàn diện

Ngày 1/5, tại thành phố New York (Mỹ) đã diễn ra buổi toạ đàm với chủ đề “Kỷ niệm 30 năm quan hệ Việt Nam – Mỹ: Cựu thù thành đối tác”. Sự kiện do Viện Đông Á Weatherhead thuộc Đại học Columbia tổ chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN