Người tị nạn Syria gả con sớm để đỡ gánh nặng

Trong bối cảnh cuộc chiến tại Syria còn chưa biết đến ngày kết thúc, nhiều bậc cha mẹ đang tị nạn ở Jordan đã tính đến việc gả chồng sớm hoặc ép gả con gái của mình với hy vọng sẽ giảm được gánh nặng mưu sinh.


Không còn đủ sức để chống chọi với cuộc sống tị nạn đói kém, ông Abu Mohammad đã phải bất đắc dĩ gả cô con gái còn nhỏ cho một người đàn ông Arập Xêút giàu có nhưng đã 40 tuổi. Mohammad hy vọng sự khá giả của người con rể gần bằng tuổi ông sẽ giúp con gái đỡ khổ. “Đây là lần cuối tôi làm như vậy. Khó có thể chấp nhận nhưng con rể đã hứa sẽ giúp đỡ chúng tôi cho đến ngày chấm dứt chiến tranh và về nước”, ông Abu giãi bày bên ngoài căn lều của gia đình ở trại tị nạn Zaatari thuộc Jordan, nơi có hơn 160.000 người Syria đang tá túc.

 

Chiến tranh kéo dài cùng với những khó khăn nơi quê người đã vắt kiệt sức chống đỡ của các ông bố, bà mẹ người Syria tại Jordan, buộc họ phải gả sớm con gái của mình để đỡ đi một mối lo. Ảnh: Internet.


Hiện có khoảng 500.000 người Syria đang sinh sống tại các trại tị nạn ở Jordan, trong đó có 2/3 là phụ nữ và trẻ em. Theo bà Dominique Hyde, đại diện Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ở Jordan, nạn cưỡng hôn, tảo hôn đã xảy ra tại đây nhưng cơ quan này vẫn chưa nắm rõ tình trạng này lan rộng đến mức nào trong cộng đồng người tị nạn Syria. Bà cho biết hành động trên vi phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của các cô gái và sẽ không đảm bảo được sức khỏe của người phụ nữ khi phải làm vợ, làm mẹ quá sớm.

 

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ Jordan, từ khi dòng người Syria tới nước này lánh nạn hồi năm 2011 đến nay đã có hơn 1.000 trường hợp kết hôn giữa nam giới Jordan và phụ nữ Syria. Ngoài ra, “còn có hơn 330 phụ nữ Syria đã lập gia đình với những người ngoài Jordan trong khoảng thời gian đến tị nạn. Con số này vẫn thuộc mức độ chấp nhận được”, Bộ trưởng Hussein Majali cho biết.

 

Fares Hosha, chủ cửa hàng bán vật dụng gia đình tại khu tị nạn Zaatari, chia sẻ: “Đàn ông Jordan và một số nước Arập lân cận thường đến tìm tôi và ngỏ ý muốn lấy phụ nữ Syria”. Ông Hosha cho rằng các ông bố, bà mẹ người Syria đành phải chấp nhận những cuộc hôn nhân nhanh gọn thế này để con gái họ sớm có chỗ nương tựa, họ cũng đỡ đi phần nào nỗi lo.

 

Hai cô con gái mới 15, 16 tuổi của ông Said, một người tị nạn Syria khác, vừa lấy chồng tháng trước. “Tôi có thể làm gì khi bản thân thất nghiệp, bị liệt 2 chân mà lại có đến 10 đứa con? Tôi không thể nuôi nổi gia đình. Trại tị nạn là nơi nguy hiểm với các con gái của tôi. Tôi nghĩ gả chúng đi là biện pháp duy nhất”.

 

Đám cưới của các cô gái trẻ người Syria vẫn diễn ra đều đều mỗi tháng. Chị Abu Ahmad, chủ một tiệm váy cưới ở ngay giữa khu tị nạn Zaatari cho biết đã không sai lầm khi kinh doanh dịch vụ này.  “Mỗi ngày tôi cho thuê được ít nhất 1 chiếc váy cưới. Giá của chúng vào khoảng 20 đồng dinar (tương đương 28 USD)”.


Tại Jordan, các cô gái dưới 18 tuổi được quyền kết hôn nếu như được tòa án cho phép. Nếu tòa quyết định rằng kết hôn đem lại lợi ích tốt nhất cho cô gái, thì cô bé có thể lấy chồng từ lúc 15 tuổi.


Trong khi đó, một số nhà hoạt động vì quyền của phụ nữ và trẻ em ở Syria đang ra sức phản đối nạn tảo hôn. Thậm chí họ còn lập ra một trang kêu gọi trên mạng xã hội Facebook và có hơn 20.000 người đã tham gia ủng hộ. “Phụ nữ Syria không phải nô lệ. Chúng tôi không thể nào giữ im lặng trước những vụ buôn bán phụ nữ, kinh doanh trên thân xác phụ nữ”, trang web của nhóm hoạt động chia sẻ.



Hoàng Trang (theo AFP)

 

Nước mắt Syria bên những cốc kem 'quê nhà' ở Jordan
Nước mắt Syria bên những cốc kem 'quê nhà' ở Jordan

Trên con phố Madina Munawwara nằm ở thủ đô Amman của Jordan có một tiệm kem xinh xắn tấp nập những người Syria đến đây mua hàng. Họ đến để mua kem và để vơi đi phần nào nỗi nhớ quê nhà da diết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN