Trước sự chứng kiến của hơn 300 dân làng tại Afghanistan, bố của Halima đã xử tử cô gái trẻ bằng 3 phát đạn vào đầu, bụng và thắt lưng vì mang tội ‘bỏ nhà theo trai'.
Cảnh sát tại tỉnh Badghis, phía tây bắc Afghanistan cho biết Halima năm nay chừng 20 tuổi, đã kết hôn và có 2 con. Cô bị buộc tội bỏ nhà chạy trốn cùng người anh họ trong khi chồng đang đi vắng. Bị bắt về sau 10 ngày trốn chạy, các chức sắc trong làng được cho là có sự hậu thuẫn của Taliban đã yêu cầu người bố tự tay trừng phạt Halima vì nỗi nhục cô gây ra cho gia đình.
Phụ nữ Afghanistan biểu tình đòi quyền lợi cho bản thân. Ảnh: AFP. |
Cảnh sát trưởng tỉnh Badghis, Sharafuddin Sharaf nói: “Các giáo sĩ cùng với người dân đã chửi mắng ông bố về hành vi ngoại tình của con gái. Họ yêu cầu hình phạt xử tử trước công chúng đối với cô gái. Hai ngày sau vụ việc xảy ra, chúng tôi đến thì gia đình họ đã bỏ chạy”.
Các nhân chứng kể lại, Halima bị trùm đầu và bắt quỳ trên mặt đất rồi các tu sĩ tuyên bố làm 'lễ tang sống' tại chỗ cho cô gái. Sau đó, người bố bắn cô ở khoảng cách 5 mét từ phía sau bằng một khẩu AK-47.
Ban đầu, các chức sắc trong làng định cho mọi người cùng ném đá cô gái đến chết nhưng sau đó họ quyết định xử bắn. Chồng của Halima khi hay tin đã tức tối trở về từ Iran để ngăn cản đám đông độc ác sát hại vợ mình nhưng đã không kịp. Cũng không ai rõ người anh họ đã trốn đi cùng Halima hiện nay sống chết ra sao.
Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, vụ việc đau lòng xảy ra ngày 22/4 tại ngôi làng nhỏ này là minh chứng rõ rệt cho sự thiếu hụt trong công tác quản lý của lực lượng cảnh sát Afghanistan trên phạm vi cả nước.
“Bạo lực đối với phụ nữ vẫn còn tiếp diễn tại các địa phương và các hung thủ hầu như không phải đền tội cho hành vi của họ. Phụ nữ không chỉ bị ngược đãi bởi gia đình mà còn gặp nguy hiểm từ các hủ tục, luật lệ cũ trong xã hội”, Horia Mosadiq, nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết.
Mặc dù chế độ Taliban đã sụp đổ 12 năm nay nhưng cho đến tận bây giờ, phụ nữ sống ở đất nước nam quyền này vẫn phải chịu đựng hàng loạt những xâm phạm về thể xác lẫn tinh thần, thậm chí sinh mạng của họ cũng không được coi trọng. Tình trạng nữ giới không được đến trường cũng như bị cấm tham gia mọi lĩnh vực hoạt động xã hội vẫn phổ biến.
Năm 2009, chính phủ Afghanistan đã ban hành một đạo luật nhằm bảo vệ phụ nữ khỏi nạn cưỡng hôn, bị cưỡng bức, đánh đập. Nhưng theo Tổ chức Ân xá Quốc tế và tổ chức nhân quyền khác, đạo luật này hầu như chưa có tác dụng. Hiện nay, phụ nữ tại Afghanistan lại nơm nớp mối lo các lực lượng quốc tế liên tiếp rút khỏi nước này sẽ dẫn đến nguy cơ nới lỏng sự kiểm soát đối với các phần tử của chế độ Taliban hà khắc.
Hoàng Trang