Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn tời The New York Times cho biết kết quả nghiên cứu mới nhất công bố ngày 29/3 chỉ ra rằng người Mỹ gốc Phi hầu như không được tham gia các chương trình thử nghiệm, điều trị hội chứng COVID-19 kéo dài trong khi chính cộng đồng này có tỷ lệ nhiễm bệnh, nhập viện và tử vong vì COVID-19 cao nhất.
Mặc dù các nhà khoa học Mỹ đang tích cực nghiên cứu tìm giải pháp điều trị cho những người mắc COVID-19 kéo dài, nhưng tỷ lệ người Mỹ gốc Phi được tham gia vào các nghiên cứu này lại rất thấp. Tiến sĩ Marcella Nunez-Smith, Giám đốc Văn phòng Y tế bình đẳng của trường Đại học Yale, cảnh báo rằng người bệnh mắc COVID-19 kéo dài, nhất là người gốc Phi, sẽ vẫn vấp phải các rào cản khi muốn được điều trị, được sử dụng các dịch vụ y tế trong khi đại dịch chưa chấm dứt hẳn.
Báo cáo nghiên cứu có tiêu đề “Tình hình người Mỹ gốc Phi với COVID-19” được đưa ra ngày 29/3 cho thấy sự thiếu đầu tư cho các dịch vụ y tế phục vụ các cộng đồng người gốc Phi đã khiến số người da màu nhiễm COVID-19 cao hơn hẳn người da trắng. Vì vậy, người Mỹ gốc Phi phải đối mặt với nguy cơ bệnh trở nặng và tử vong cao hơn. Báo cáo do Trường Y của Đại học Yale thực hiện cũng đưa ra một số khuyến nghị để giới chức Mỹ xem xét, điều chỉnh chính sách.
Theo báo cáo này, trong 3 tháng đầu tiên xảy ra đại dịch, tỷ lệ người Mỹ gốc Phi nhiễm bệnh trung bình mỗi tuần khoảng 42,7% (tỷ lệ nghiên cứu trên 100.000 người) trong khi tỷ lệ nhiễm bệnh đối với người da trắng là 15,8%; tỷ lệ nhập viện của người gốc Phi là 12,6% trong khi với người da trắng là 4%; tỷ lệ tử vong của người gốc là 4,5 % còn người da trắng là 2,3%.
Nghiên cứu cũng nêu rõ mức độ nghiêm trọng khi nhiễm bệnh COVID-19 trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi là kết quả do các yếu tố xã hội gây nên, không phải do sự khác biệt về các yếu tố di truyền. Người Mỹ gốc Phi thường làm các công việc thiết yếu, thường chung sống nhiều thế hệ trong một nhà hoặc sống ở những khu vực đông dân cư cho nên cũng dễ nhiễm COVID-19 hơn. Khi nhiễm COVID-19, họ thường trở bệnh nặng do đã có bệnh nền từ trước như béo phì, huyết áp cao hay bị bệnh thận mà những bệnh nền đấy cũng xuất phát từ nguyên nhân là họ không được tiếp cận với các dịch vu chăm sóc y tế có chất lượng tốt.
Tiến sĩ Nunez- Smith cho rằng trong thời gian đại dịch hoành hành trước đây, nhiều người gốc Phi đã không có cơ hội được xét nghiệm và điều trị hội chứng COVID-19 kéo dài. Chuyên gia này cũng khẳng định tầm quan trọng cần phải đầu tư đáng kể nhiều nguồn lực cho nghiên cứu hội chứng này thì mới có thể thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng đối với người Mỹ gốc Phi trong điều trị căn bệnh này, nhất là trong bối cảnh tình hình đại dịch tại nước Mỹ đang có nhiều tín hiệu tích cực hơn.
Hiện nước Mỹ ghi nhận khoảng gần 800 ca tử vong vì COVID-19 mỗi ngày, con số thấp nhất kể từ tháng 8/2021. Số ca nhiễm mới trung bình trong 7 ngày qua đã giảm đáng kể nếu so với thời gian bùng phát chủng Omicron. Trong tuần qua, mỗi ngày nước Mỹ chỉ có khoảng 30.000 ca nhiễm mới và số ca nhập viện cũng xuống thấp ở khoảng 18.000 ca một ngày, trong đó số ca phải điều trị tích cực mỗi ngày đã giảm khoảng 43% xuống còn khoảng 3.000 ca mỗi ngày.