Người Hồi giáo cầu nguyện ở Bali, Indonesia trước thềm tháng lễ Ramadan. Ảnh: AP |
Trong tháng lễ Ramadan, các tín đồ Hồi giáo dành nhiều thời gian tại thánh đường để cầu nguyện, đọc kinh Qur'an và lắng nghe những bài giảng tôn giáo. Trong tháng này, người Hồi giáo phải kiêng ăn, uống, hút thuốc, quan hệ vợ chồng hoặc tức giận vào ban ngày.
Ngoài ra, những người Hồi giáo còn phải tránh những thói quen xấu như nói dối, tức giận, đối xử không tốt với người khác, phải chú tâm vào lời cầu nguyện và tăng cường làm việc thiện, tham gia các hoạt động từ thiện… Người ta tin rằng việc kiêng ăn trong tháng lễ sẽ làm tăng tinh thần và phát triển khả năng tự kiểm soát.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, cũng như các tín đồ Hồi giáo trên thế giới, những ngày trước tháng lễ Ramadan, người theo đạo Hồi ở Indonesia - quốc gia có số dân theo đạo Hồi đông nhất thế giới, đi mua sắm tích trữ lương thực, thực phẩm và tảo mộ tưởng nhớ tổ tiên, người thân đã khuất.
Đây là tháng lễ quan trọng nhất trong năm của người Hồi giáo Indonesia, vì vậy, dịp này hằng năm, Chính phủ Indonesia và các bộ ngành liên quan đã lên kế hoạch chuẩn bị chu đáo mọi mặt, để người dân được đón một tháng lễ bình an và chào đón một năm mới theo Hồi lịch thật nhiều tốt đẹp.
Trước khi bắt đầu tháng lễ, Chính phủ Indonesia đã tăng cường phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan liên quan tiến hành các công tác chuẩn bị, đặc biệt là đối phó với tình trạng bất ổn về giá cả nhu yếu phẩm cơ bản như thịt bò và hành tây, hành tím, ớt. Trên thực tế, trong khi giá các mặt hàng như thịt bò và hành tây đang tăng thì giá gạo và ớt đỏ đã giảm vì đang là mùa thu hoạch ở Indonesia.
Chính phủ Indonesia đã chỉ định các công ty nhập khẩu thịt bò và hành tím để bổ sung nguồn hàng hóa đáp ứng nhu cầu tăng mạnh trong tháng Ramadan. Bộ Thương mại Indonesia đã quyết định tăng hạn ngạch nhập khẩu thịt bò lên 27.400 tấn, gần gấp 3 lần so với đề nghị của Bộ Nông nghiệp.
Trong khi đó, một nhà lãnh đạo địa phương của tổ chức Hồi giáo lớn nhất Indonesia đã kêu gọi Văn phòng Bộ Tư pháp (AGO) không thực hiện kế hoạch thi hành án tử hình đối với một số tội phạm ma túy trong tháng lễ Ramadan, để các tử tù một cơ hội để ăn năn.
Tại các nước Vùng Vịnh, các nhà hàng và khách sạn đang cạnh tranh nhau để đưa ra các món ăn sang trọng nhất sau khi nhịn ăn trong ngày. Tại khách sạn có hình cánh buồm Burj al-Arab ở Dubai, các bữa tối truyền thống ở đây đang được đưa ra với mức giá lên tới 400 dirham (110 USD)/người.
Trong khi đó, nhiều gia đình Hồi giáo đang bị ảnh hưởng bởi các cuộc giao tranh tại Iraq và Syria cho biết điều kiện sống chật vật sẽ khiến họ khó có thể tham gia tháng lễ Ramadan trong năm nay. Tại Falluja, Iraq, ngoài việc phải sống trong cảnh thiếu nước, lương thực, thuốc men, người dân còn phải hứng chịu những vụ đánh bom và tấn công trong các cuộc giao tranh giữa lực lượng Chính phủ Iraq và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Còn tại thủ đô Damacus của Syria, nhiều người than phiền khó khăn kinh tế sau cuộc xung đột kéo dài 5 năm ở đất nước đã ảnh hưởng nhiều đến tháng lễ Ramadan trong năm nay của họ.