Theo hãng tin Reuters, số tiền mục tiêu 5 triệu euro đã được huy động chỉ trong 3 ngày rưỡi, chủ yếu là các số tiền nhỏ. Số tiền này sẽ được dùng để mua một máy bay không người lái quân sự Byraktar TB2. Laisves TV - đài truyền hình internet Litva - đã phát động sáng kiến quyên góp tiền này.
Agne Belickaite, 32 tuổi, người đã gửi 100 euro ngay sau khi đài truyền hình Laisves TV phát động gây quỹ ngày 25/5, nói: “Trước khi cuộc chiến này bắt đầu, không ai trong chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ mua vũ khí. Nhưng đó là một điều bình thường bây giờ… Tôi đã quyên góp để mua vũ khí cho Ukraine trong một thời gian”.
Máy bay không người lái đã chứng tỏ hiệu quả trong những năm gần đây trong các cuộc xung đột. Bộ Quốc phòng Litva đang điều phối việc mua máy bay không người lái Byraktar TB2 và cho biết đã lên kế hoạch ký ý định thư để mua máy bay không người lái này từ Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần tới.
Ukraine đã mua hơn 20 máy bay không người lái Bayraktar TB2 từ công ty Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm gần đây và đặt hàng thêm 16 chiếc vào ngày 27/1. Lô hàng đó đã được giao vào đầu tháng 3.
Ông Beshta Petro, Đại sứ Ukraine tại Litva, nói với Laisves TV: “Đây là trường hợp đầu tiên trong lịch sử khi người dân thường quyên tiền để mua một thứ như Bayraktar. Điều này chưa từng có, thật không thể tin được”.
Hầu hết vũ khí hạng nặng mà các nước NATO gửi đến Ukraine cho đến nay là vũ khí do Liên Xô chế tạo vẫn còn trong kho của các quốc gia thành viên NATO ở Đông Âu, nhưng một số nước gần đây đã bắt đầu cung cấp cho Ukraine xe tăng phương Tây chế tạo.
Mới đây, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã chấp thuận gửi các hệ thống tên lửa dẫn đường phóng loạt tới Ukraine. Các hệ thống được đề cập có thể là M31 GMLRS. Việc chuyển giao M31 GMLRS (thuộc gói vũ khí gần 40 tỉ USD viện trợ cho Ukraine) sẽ được công bố vào tuần tới. M31 GMLRS có tầm bắn từ 70 km đến 500 km tùy theo loại đạn. Hệ thống này có thể được trang bị tên lửa dẫn đường bằng vệ tinh.
M31 GMLRS được đặt trên một loại xe bánh xích. Ngoài ra, gói vũ khí mới của Mỹ có thể bao gồm Hệ thống Pháo phản lực Cơ động Cao đặt trên xe bánh lốp, còn gọi là HIMARS.
Phản ứng trước thông tin này, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cảnh báo nguy cơ leo thang xung đột ở Ukraine sẽ tăng lên đáng kể nếu Mỹ cung cấp cho Kiev hệ thống tên lửa dẫn đường phóng loạt. Đại sứ Nga bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ không thực hiện bước đi khiêu khích như vậy. Ông Antonov cũng nói thêm ông và các đồng nghiệp từ Bộ Ngoại giao Nga đã nhiều lần cảnh báo giới chức Mỹ rằng động thái bơm vũ khí cho Ukraine có thể làm tăng nguy cơ leo thang xung đột.
Ông Antonov tuyên bố với việc cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine, Mỹ sẽ hủy hoại triển vọng hòa bình ở quốc gia Đông Âu này. Ông cũng lưu ý rằng Washington đang ngày càng can dự nhiều hơn vào cuộc xung đột, có thể gây ra những hậu quả khó lường đối với an ninh toàn cầu.
Trong khi đó, tại cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng Quốc phòng Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) ngày 24/5, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khẳng định Các lực lượng vũ trang liên bang Nga sẽ tiếp tục tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, bất chấp sức ép và sự hỗ trợ mà Kiev nhận được từ các nước phương Tây.
Bộ trưởng Shoigu tuyên bố Nga sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt cho đến khi hoàn thành tất cả các nhiệm vụ. Theo ông Shoigu, lực lượng NATO đang tiến gần hơn đến biên giới Nga, mở rộng hơn nữa về phía Đông - điều Nga luôn phản đối lo ngại đây là mối đe dọa đối với an ninh nước này.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga cho rằng nước phương Tây đang cố tình làm suy yếu các mối quan hệ đồng minh giữa các nước thành viên CSTO. Ông Shogui cho biết Nga sẽ tiếp tục hỗ trợ cần thiết cho các đồng minh để vô hiệu hóa các mối đe dọa đang nổi lên và giữ vững chủ quyền.