Người dân Florida ở Mỹ tuyệt vọng vì dịch bệnh và đói ăn

Khu vực đô thị Nam Florida ở bang Flordia, Mỹ đã trở thành ổ dịch COVID-19 và tình trạng mất an ninh lương thực.

Chú thích ảnh
Tình nguyện viên chuẩn bị sữa để phân phát cho người dân ở Florida ngày 11/7. Ảnh: AP

Kênh NBC News dẫn lời một người dân tên là Gianna Clase nói về triển vọng kinh tế của bản thân khi đại dịch COVID-19 càn quét khu vực: “Tình hình rất đáng sợ. Rất đáng sợ”.

Clase mất việc làm tại một cửa hàng bán lẻ. Cô cho biết khoản tiền 300 USD mà cô nhận từ chính phủ để hỗ trợ mua thức ăn mỗi tháng không đủ cho gia đình 4 người gồm cô, mẹ già và hai đứa cháu 5 và 14 tuổi. Phiếu thực phẩm đã trở thành nguồn sống của họ.

Khi Nam Florida bị coi là tâm chấn mới của đại dịch COVID-19, khu vực này thuộc nhóm có tình hình tệ nhất nước Mỹ xét về tình trạng khan hiếm và mất an ninh lương thực. 

Trên 14% người dân Nam Florida, tức là 7 hộ gia đình thì có 1 hộ gia đình, cho biết họ thường xuyên hoặc đôi khi không có đủ thức ăn trong 7 ngày qua. Tuần trước, Nam Florida đứng đầu về mất an ninh lương thực. Trong tuần này, Nam Florida đứng thứ hai sau khu vực đô thị Houston.

“Feeding South Florida”, một trong các ngân hàng thực phẩm phân phát thức ăn khắp khu vực đô thị gồm các hạt Miami-Dade, Broward và Palm Beach, cho biết trước đại dịch, họ chỉ phục vụ 706.000 người. Còn hiện nay, con số đó lên tới 1,3 triệu người.

Chú thích ảnh
Tình nguyện viên phát túi thức ăn cho trẻ em ở Bắc Miami, Florida ngày 1/7. Ảnh: AP

“Feeding South Florida” phân phát trên 28 triệu kg thức ăn trong năm tài chính trước đó từ ngày 1/7/2019 tới 30/6/2020. Trong năm tài chính vừa kết thúc vào tháng 6 vừa qua, họ đã phân phát gần gấp đôi con số đó. Hiện nay, họ phân phát khoảng 1,8 triệu kg thực phẩm mỗi tuần và sẽ còn tăng.

Bà Sari Vatske, Phó chủ tịch điều hành “Feeding South Florida” cho biết: “Hai tuần qua, chúng tôi chứng kiến số lượng cần hỗ trợ tăng nhẹ và chúng tôi dự báo xu hướng này sẽ tiếp diễn”.

Theo các khảo sát của “Feeding South Florida” thực hiện với mạng lưới 300 đối tác, nhiều người cần hỗ trợ từng làm việc trong ngành du lịch và khách sạn.

Trước đại dịch, khoảng 30% số người mà ngân hàng thực phẩm hỗ trợ là người Latinh và 60% là người da đen. Còn giờ đây, bà Vatske nói số người cần hỗ trợ thuộc đủ thành phần.

Chú thích ảnh
Phát thực phẩm tại một sự kiện ở Doral, Florida ngày 17/4. Ảnh: NBC News

Bà Vatske cho biết điều bà bận tâm là sự mệt mỏi của người dân khi đối diện với tương lai bất định. Hồi tháng ba và tư, người dân sợ hãi vì không biết đại dịch kéo dài bao lâu và họ sẽ thiếu thức ăn tới khi nào. Khi dịch bệnh vẫn hoành hành, họ dường như tuyệt vọng và bất lực, coi đây là điều bình thường mới với họ và phải tới nhận thức ăn hàng tuần.

Hạt Miami-Dade đang bị dịch COVID-19 tác động mạnh. Khi số ca mắc bệnh tăng vọt và bệnh viện quá tải bệnh nhân, các hạt đang chịu áp lực phải đóng cửa lần nữa. Điều này có nghĩa là sẽ có nhiều người bị sa thải hoặc phải nghỉ việc hơn khi các doanh nghiệp đóng cửa, từ đó làm tăng nhu cầu tìm tới ngân hàng thực phẩm.

Video người dân Mỹ lái ô tô tới nhận đồ ăn miễn phí ở hạt Miami-Dade, Florida ngày 18/4 (nguồn: Twitter):

Ngoài các ngân hàng thực phẩm lớn, các trường công ở hạt Broward và Miami-Dade cũng cung cấp bữa ăn cho các gia đình để đủ ăn một tuần. Các tổ chức nhỏ, nhà hàng và nhà thờ cũng phân phát thực phẩm

Bà Nina Fabian, mục sư tại Trung tâm Thờ cúng Quốc tế Life Changers ở khu ngoại ô nhiều người Latinh sinh sống Hialeah, hạt Miami-Dade, đã điều hành trại hè và cung cấp thức ăn nóng cho trẻ dưới 18 tuổi. Bà cũng phân phát hộp thức ăn hai lần mỗi tuần. 

Bà cho biết người dân phải đi tới nhiều nơi mới có đủ thức ăn. Có nhiều bà mẹ thất nghiệp tới chỗ của bà Fabian. Trong một số trường hợp, cả hai bố mẹ đều mất việc. Bà nói: “Đây là thời điểm khó khăn. Ai cũng căng thẳng”.

Tính tới 16/7, bang Florida có gần 288.000 ca mắc COVID-19, trong đó 4.520 người tử vong.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Các cơ sở chế biến thịt khiến Brazil trở thành ổ dịch COVID-19 lớn thứ 2 thế giới
Các cơ sở chế biến thịt khiến Brazil trở thành ổ dịch COVID-19 lớn thứ 2 thế giới

Các chuyên gia cho rằng điều kiện làm việc tại các nhà máy chế biến thịt đã khiến virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh chóng và biến Brazil trở thành ổ dịch COVID-19 lớn thứ 2 thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN