Giờ đây, ông Prajapati, 68 tuổi, sống ở làng Modhera ở bang Gujarat, miền tây Ấn Độ, đã làm ra lượng thành phẩm gốm tăng gấp đôi so với vài tháng trước vì không còn phải tự quay bàn gốm nữa. Lúc đó, ông không thể đóng tiền điện vì hóa đơn lên đến 1.500 rupee Ấn Độ (khoảng 450.000 đồng) một tháng.
Từ đầu tháng 10, chiếc máy của ông đã chuyển sang sử dụng điện mặt trời, sau khi ngôi làng ông sống là ngôi làng đầu tiên của Ấn Độ vận hành hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời. Ông Prajapati nói: “Điện đã giúp chúng tôi tiết kiệm thời gian và sản xuất nhiều hơn”.
Ấn Độ - quốc gia phát thải carbon dioxide lớn thứ ba thế giới - đặt mục tiêu đáp ứng một nửa nhu cầu năng lượng từ các nguồn tái tạo, chẳng hạn như năng lượng mặt trời và gió, vào năm 2030, tăng so với mục tiêu trước đó là 40%.
Với nguồn tài trợ lên đến gần 10 triệu USD, dự án điện mặt trời ở Modhera đã lắp đặt hơn 1.300 tấm pin trên mái của các tòa nhà dân cư và chính quyền địa phương rồi kết nối với một nhà máy điện.
Chính phủ sẽ mua năng lượng dư thừa được sản xuất ở đây nếu người dân không sử dụng hết công suất được giao cho các hộ gia đình.
Với số tiền này, người thợ may Praveen Bhai, 43 tuổi, dự định mua một bộ bếp gas mới, vì bếp củi cũ thải khói mù mịt. "Tôi đã phải dạy bọn trẻ học dưới ánh đèn đường. Bây giờ chúng sẽ có thể học trong nhà", ông chia sẻ.
Trong khi đó, đối với Reena Ben, 36 tuổi, thợ may bán thời gian, năng lượng mặt trời đã hỗ trợ rất nhiều cho công việc của cô.
"Khi chúng tôi được tiếp cận với nguồn năng lượng mặt trời, tôi đã mua một động cơ điện giá 2.000 rupee để gắn vào máy may. Bây giờ tôi có thể may thêm một hoặc hai bộ quần áo hàng ngày”, cô Ben vui mừng chia sẻ.
Làng Modhera, nổi tiếng với Ngôi đền Mặt trời cổ kính thờ thần Mặt trời, nằm ở bang Gujarat, quê hương của Thủ tướng Narendra Modi.
"Đối với một đất nước Ấn Độ tự cường của thế kỷ 21, chúng ta phải tăng cường các nỗ lực để giải quyết nhu cầu năng lượng”, Thủ tướng Modi phát biểu vào đầu tháng 10.
Về vấn đề biến đổi khí hậu, Thủ tướng Modi nhấn mạnh cam kết của Ấn Độ trong việc khử cacbon và tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo. New Delhi sẽ ủng hộ đề xuất của Mỹ và Đức về việc thiết lập quan hệ đối tác Ấn Độ - G7 để tài trợ và hỗ trợ quá trình chuyển đổi của Ấn Độ từ nền kinh tế dựa trên hóa thạch sang nền kinh tế không có carbon.
Thực tế, Ấn Độ đã thực hiện vượt mức cam kết của mình khi đáp ứng gần 40% công suất điện từ nhiên liệu không hóa thạch trước thời hạn khoảng 9 năm. Gia tăng đáng kể trong sử dụng các nguồn thay thế khả thi hơn, cùng với sự phát triển công nghệ, chính sách hỗ trợ ổn định và sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân, sẽ phản ánh rõ ràng nỗ lực của Ấn Độ trong quá trình sản xuất năng lượng xanh thông qua các nhà máy điện mặt trời với chi phí rẻ hơn than đá.