Theo hãng tin Reuters (Anh), một cô gái người Việt 22 tuổi tên Lương Thị Tú (Thi Tu Luong) đã mất việc làm tại một khách sạn ở thị trấn suối nước nóng phía Bắc Tokyo. Trong lúc đang tìm ngôi chùa Nisshinkutsu để ở tá túc qua đêm, cô gái đã liên lạc và gặp Jihi Yoshimizu tại đây. Yoshimizu là người điều hành một tổ chức hỗ trợ dành cho người lao động Việt Nam.
Tú được dẫn vào một tòa nhà. Cô tâm sự không lâu sau khi tới ngôi chùa: “Tôi cảm thấy bị bỏ rơi. Song tôi thực sự biết ơn vì mình có thể ở đây”.
Những khi bình thường, chùa thường làm lễ cho những người đã khuất, nhưng khi đại dịch COVID-19 tràn tới làm đảo lộn nền kinh tế khu vực Tokyo nói riêng cũng như đất nước Nhật Bản nói chung, ngôi chùa đã dành thời gian chuẩn bị các gói đồ cho người Việt Nam tới từ khắp nơi ở Nhật Bản.
Bên trong ngôi chùa, người lao động Việt Nam học tiếng Nhật, nấu đồ ăn Việt, tìm việc để làm hoặc đặt chuyến bay về nước.
Yoshimizu, được gọi là Trưởng Nhóm Hỗ trợ Chung sống Việt-Nhật (một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ngoài ngôi chùa), nói: “Chúng tôi làm mọi thứ có thể. Chúng tôi chăm sóc mọi người từ khi họ ở trong bụng mẹ cho tới khi họ qua đời”.
Ngôi chùa Nisshinkutsu được cộng đồng người Việt ở Nhật Bản biết tới sau khi đón nhận những người lao động Việt Nam mất nhà cửa sau thảm họa kép động đất-sóng thần năm 2011 ở miền bắc Nhật Bản.
Khi uy tín của Yoshimizu ở cộng đồng Việt Nam ngày càng tăng, cô bắt đầu nhận được tin nhắn từ người Việt trẻ, trong đó có cả những phụ nữ muốn phá thai, người lao động đột ngột bị giới chủ sa thải và không có nơi nào để đi hay những lao động phải trốn chạy vì bị bóc lột.
Năm 2019, Yoshimizu đã giúp đỡ khoảng 400 trường hợp, nhưng từ tháng 4 năm nay, con số này tăng vọt. Giờ cô nhận được từ 10 đến 20 tin nhắn mỗi ngày đều là lời xin giúp đỡ từ người Việt khắp Nhật Bản. Cô nói: “Tôi không nhớ đã có bao nhiêu tin nhắn nữa”.
Khi cô Lương Thị Tú bị sa thải không báo trước và buộc phải rời ký túc xá, cô đã nhờ Yoshimizu giúp đỡ. Cô nhắn tin: “Tôi không có việc, không có nơi ở ngay lúc này. Xin hãy giúp tôi. Tôi có đến chùa hôm nay được không?”
Tú tốt nghiệp trường dạy nghề hồi tháng 3 và bắt đầu làm việc từ giữa tháng 4 tại một khách sạn cao cấp ở Nikko, địa điểm du lịch nổi tiếng nhiều đền chùa, thắng cảnh. Nhưng cô không được giao việc và ở trong ký túc xá cả ngày không có gì làm. Cô được trả 30.000 yên vào tháng 5 và không biết có được trả tiền trong tháng 6 hay không.
Nhiều người lao động Việt Nam tới Nhật Bản học tập hoặc thực tập. Không ít trường hợp họ phụ thuộc vào chủ lao động và do đó dễ bị lạm dụng, bóc lột. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngày càng nhiều người tới Nhật Bản. Theo Reuters, số lượng lên tới 410.000 người năm 2019, tăng 24,5% từ năm trước đó.
Yoshimizu đã phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản tháng trước để kêu gọi chính phủ hành động nhiều hơn trong hỗ trợ sinh viên Việt Nam không có bảo hiểm việc làm. Cô nói: “Chính sách COVID-19 của chính phủ hiện tại chỉ tập trung hỗ trợ người Nhật Bản trước”.