Đa số du học sinh đều nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và thực hiện triệt để các biện pháp phòng chống dịch để bảo vệ sức khỏe cho bản thân.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Hương chia sẻ, ngay sau khi nhận được thông báo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan tới việc phòng chống dịch COVID-19, Bộ phận Giáo dục Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã gửi thông báo này cho các du học sinh tại các chi hội Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA), các du học sinh có đăng ký công dân với Bộ phận Giáo dục, các chi bộ sinh hoạt Đảng tại Nhật Bản và một số trường tiếng Nhật. Các du học sinh đã đăng tải và chia sẻ thông báo này trong toàn khóa để cùng nắm được tình hình và thực hiện các khuyến cáo. Ngoài ra, Bộ phận Giáo dục của Đại sứ quán vẫn duy trì đường dây nóng để tiếp nhận thông tin và giải đáp các thắc mắc về các chính sách của Chính phủ cho các du học sinh.
Bộ phận Giáo dục của Đại sứ quán vẫn duy trì đường dây nóng để tiếp nhận thông tin và giải đáp các thắc mắc về các chính sách của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICE) cũng thường xuyên gửi các thông báo và khuyến cáo cho các du học sinh học bổng JDS (chương trình học bổng phát triển nguồn nhân lực của Chính phủ Nhật Bản giành cho 10 nước, trong đó có Việt Nam), yêu cầu hạn chế đi đến các vùng dịch, nâng cao sức khoẻ và không nên hoang mang hoặc tin vào các tin đồn thất thiệt. Các trường học và ký túc xá đã gửi, dán thông báo và khuyến cáo về tình hình dịch bệnh và cách phòng tránh lây nhiễm.
Hiện tại, các du học sinh Việt Nam thường xuyên kết nối trên mạng xã hội để chia sẻ thông tin và nắm bắt tình hình sức khỏe các thành viên. Dịch COVID-19 đến nay ảnh hưởng không quá nghiêm trọng đến học tập của du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, một phần vì các trường đại học đang trong kỳ nghỉ Xuân (kéo dài tới đầu tháng 4), trong khi các trường dạy tiếng Nhật đã cho học sinh nghỉ đến khoảng giữa tháng 3. Các du học sinh nhập học vào tháng 4/2020 dự kiến sẽ nhập học bình thường theo đúng kế hoạch. Tuy nhiên, nhiều hội thảo trong và ngoài Nhật Bản đã bị hoãn, các chuyến đi thực tế hay nghiên cứu khoa học của du học sinh bị tạm ngừng, một số sinh viên đã phải thay đổi hoặc hoãn lịch về nước để nghiên cứu hoặc lấy số liệu.
Theo thống kê của Cục Xuất nhập cảnh và Quản lý Cư trú thuộc Bộ Tư pháp Nhật Bản, đến tháng 12/2019, tổng số du học sinh Việt Nam là 82.266 người.
Trong một diễn biến liên quan, từ ngày 19/3, Cơ quan xuất nhập cảnh và quản lý cư trú thuộc Bộ Tư pháp Nhật Bản sẽ cho phép thực tập sinh kỹ năng nước ngoài gia hạn lưu trú tối đa 4 tháng nếu không thể tham gia kỳ thi kỹ năng để gia hạn thị thực vì sự bùng phát của dịch COVID-19. Theo quy định hiện hành, thực tập sinh kỹ năng nước ngoài chỉ có thể lưu trú tại Nhật Bản tối đa 5 năm và phải tham gia kỳ thi kỹ năng để gia hạn thị thực.
Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã cho phép thực tập sinh nước ngoài vẫn có thể tiếp tục ở lại nước này nếu thời hạn lưu trú đã hết và họ không thể về nước do sự bùng phát của dịch COVID-19. Ngoài ra, các thực tập sinh đã hoàn tất hợp đồng 3 năm và chuẩn bị về nước nhưng quyết định chuyển sang đào tạo kỹ năng đặc định sẽ được phép gia hạn lưu trú tối đa 4 tháng.
Trong một diễn biến khác, Văn phòng Đại diện Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) ở Tokyo cho biết Vietnam Airlines sẽ tạm ngừng khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Nhật Bản từ ngày 23/3 cho đến cuối tháng 4.
Tính đến sáng 19/3, số người tử vong vì dịch COVID-19 ở Nhật Bản là 39, trong đó có 32 người trong nội địa Nhật Bản và 7 người trên du thuyền Diamond Princess. Tổng số trường hợp mắc bệnh ở Nhật Bản là 1.636 người, trong đó 910 người trong nội địa, 712 người trên du thuyền Diamond Princess và 14 người được sơ tán từ tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) trên các máy bay do Chính phủ Nhật Bản thuê.
Nếu tính theo địa phương, Hokkaido là tỉnh có số lượng người nhiễm đông nhất với 154 trường hợp. Tiếp theo là tỉnh Aichi là 130, tỉnh Osaka là 117, thủ đô Tokyo là 111, tỉnh Hyogo là 92 và tỉnh Kanagawa là 60.