Sự kiện thu hút sự quan tâm của giới quan sát quốc tế do quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này đang trong giai đoạn căng thẳng.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hiện đang có chuyến thăm kéo dài 4 ngày (từ 16-20/5) tới các nước có chủ quyền tại Bắc Cực. Đây cũng là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa giới chức hai cường quốc kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức tại Mỹ. Hai ngoại trưởng Nga và Mỹ đã điện đàm và "đã nhất trí tổ chức một cuộc gặp bên lề của phiên họp để giải quyết những vấn đề song phương và toàn cầu quan trọng."
Trước thềm các sự kiện tại Reykjavik, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo các nước phương Tây không đưa ra các tuyên bố chủ quyền ở Bắc Cực, trong bối cảnh Trái Đất ấm dần lên đang tạo điều kiện cho hoạt động vận tải tại đây và trở thành địa điểm cạnh tranh toàn cầu.
Dù là khu vực có khí hậu vô cùng khắc nghiệt, Bắc Cực luôn hấp dẫn nhiều quốc gia trên thế giới không chỉ do nguồn tài nguyên phong phú, mà còn do các tuyến đường vận tải biển tiềm năng mà nó mang lại. Giới phân tích cho rằng trước thực tế nhiệt độ Trái Đất ấm lên, băng tan nhiều, Bắc Cực trở nên dễ tiếp cận hơn, các nước thành viên Hội đồng Bắc Cực quan tâm hơn tới các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khu vực cũng như các tuyến hàng hải và vị trí chiến lược của Bắc Cực. Chính vì thế, song song với các hoạt động nghiên cứu, khảo sát thăm dò tài nguyên, các nước cũng từng bước tăng cường hiện diện quân sự nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia.