Ngoại trưởng Mỹ tương lai: Người luôn muốn nắm rõ mọi yếu tố của cuộc đấu

Theo lời kể từ một người bạn của Tillerson, ứng viên Ngoại trưởng Mỹ, chỉ trong kỷ nghỉ 3 tuần giữa các cuộc đàm phán về hợp tác năng lượng với Yemen và với Nga, ông Tillerson đã dành toàn bộ phần thời gian ngồi trong Thư viện Quốc hội và đọc mọi thứ có thể về lịch sử và chính trị nước Nga.

Rex Tillerson (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP

Theo tờ Politico, một trong những lý do khiến nhiều người phản đối Chủ tịch Exxon Mobil, ông Rex Tillerson là ứng viên cho chức vụ Ngoại trưởng Mỹ, đó là do nghi ngại ông không có nhiều kinh nghiệm về các vấn đề đối ngoại.

Tuy nhiên, với vị trí đứng đầu của một tập đoàn lớn, tạo được nhiều mối quan hệ rộng lớn với các nhà lãnh đạo nhiều nước trong vòng 10 năm kể từ khi ông nhận chức Chủ tịch Exxon Mobil, có thể Tillerson sẽ là một quân át chủ bài trong dàn nội các mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

3h sáng, một cú điện thoại của Thủ tướng Yemen gọi đến phòng ông Tillerson yêu cầu gặp mặt ngay lập tức. Trước đó vài giờ, ông này vừa mới kết thúc 3 ngày đàm phán về một hợp đồng năng lượng với chính phủ Yemen – một bản thỏa thuận có thể giúp đỡ về mặt tài chính nhằm định hình lại quốc gia trong nhiều năm tới.

Lý do Thủ tướng Yemen muốn gặp Tillerson rất rõ ràng. Yemen muốn các điều khoản mới và sẵn sàng để chơi tới cùng. Tuy còn là một nhà quản lí trẻ tuổi, song vẫn vững tin trước lời thách thức từ phía chính quyền Yemen, ông Tillerson tuyên bố không thay đổi hợp đồng.

Câu chuyện trên xảy ra trong đầu những năm 1990, tuy nhiên, nó cũng phần nào giúp được người dân Mỹ hiểu về kỹ năng đối ngoại của vị Ngoại trưởng Mỹ tương lai do ông Trump đề cử.

Một cộng sự của Tillerson ca ngợi: “Đó là một thách thức lớn với ông ấy, nhưng Tillerson vẫn nói ‘không’ mà không xúc phạm hay làm tổn thương người đối diện, cũng như không tạo ra các căng thẳng, hay thậm chí các cuộc chiến tranh không cần thiết”.

Không chỉ với Yemen, những năm tháng ông gây dựng mối quan hệ mật thiết với chính phủ Nga cũng phần nào thể hiện được khả năng ông có thể đàm phán tại một môi trường nước ngoài khó khăn, đặc biệt là với một quốc gia trong quan hệ căng thẳng với Mỹ.

Song mối quan hệ giữa Tillerson và Nga đã vấp phải làn sóng phản đối từ phía đảng Dân chủ và những người thuộc đảng Cộng hòa nhưng đi theo chính sách ngoại giao diều hâu. Nhiều người dự đoán việc này ít nhiều sẽ gây ra chia rẽ nội bộ trong quốc hội Mỹ về những quyết định liên quan đến Nga.

Bên cạnh đó, vẫn có khá nhiều người nghi ngại về tài đối ngoại của Tillerson vì cho đến giờ, tất cả những giao dịch thành công của ông trên mặt trận quốc tế đều liên quan đến ngành mà ông nắm rõ nhất: Năng lượng. Trong khi đó, Ngoại trưởng của một nước lớn như Mỹ cần phải hiểu rõ tất cả các vấn đề, không chỉ là để giải quyết cho nước mình mà còn đại diện giúp đỡ các nước nhỏ hơn.

Như đã đề cập ở trên, với vị trí là Chủ tịch Exxon Mobil trong chục năm nay, Tillerson là người chỉ đạo triển khai các hoạt động kinh doanh trên 200 quốc gia lớn nhỏ, cũng như danh sách liên lạc với những nhà lãnh đạo cấp cao của các nước ngày một dài thêm: Từ Tổng thống Nga Vladimir Putin cho tới cựu Tổng thống Venezuela Hugo Chávez và cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh. Bạn bè và đồng minh của ông Tillerson nhận xét với những năm tháng lăn lộn đàm phán với những người “khó nhằn” nhất thế giới, thì không ai có thể thích hợp làm Ngoại trưởng Mỹ hơn ông.

Nhiều cộng sự của Tillerson nói với tờ Politico rằng tuy Chủ tịch Exxon Mobil có thể không nắm rõ được hết tất cả các vấn đề trên thế giới nhưng ông có tinh thần cầu tiến, học hỏi.

John Hamre – một nhà phân tích làm việc tại Trung tâm chiến lược và vấn đề quốc tế Mỹ đã dành hơn 100 tiếng đồng hồ để ngồi thảo luận chính sách đối ngoại với Tillerson trong suốt 11 năm qua – nhận xét: “Rex là một kỹ sư, nên anh ấy đem cách nhìn của một kỹ sư đề nghĩa về các khía cạnh của vấn đề. Anh ấy muốn hiểu rõ mọi người chơi, mọi yếu tố trong một cuộc đấu”.

Theo lời kể từ một người bạn của Tillerson, chỉ trong kỷ nghỉ 3 tuần giữa các cuộc đàm phán về hợp tác năng lượng với Yemen và với Nga, ông Tillerson đã dành toàn bộ phần thời gian ngồi trong Thư viện Quốc hội và đọc mọi thứ có thể về lịch sử và chính trị nước Nga.

Không chỉ có vậy, khi cái tên Tillerson được xướng lên cho chức Ngoại trưởng Mỹ trong nhiệm kỳ tới, các báo đài chỉ tập trung vào mối quan hệ của ông và Nga mà quên mất ông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tái cân bằng mối quan hệ giữa Mỹ và các nước Trung Đông. Trong bối cảnh chính quyền Obama có phần thiên vị về phía tộc người Shiite như ở Iran, và khiến cho các nước vùng Vịnh Persian – nơi phần lớn dân số là tộc người Sunni – phật ý, thì chính Tillerson là người tạo ra mối liên kết với các quốc gia này.

Hồng Hạnh
Chuyện lạ về Ngoại trưởng Mỹ thời ông Trump
Chuyện lạ về Ngoại trưởng Mỹ thời ông Trump

Trong trường hợp làm Ngoại trưởng Mỹ, ông Tillerson chỉ được chính phủ Mỹ chi trả cho 186.600 USD/năm còn nếu không ông có thể sống an nhàn với mức lương hưu gần 70 triệu USD và 233 triệu USD tiền cổ phần tại Exxon.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN