Ngoại trưởng Mỹ phản bác chỉ trích vụ Banghazi

Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 23/1, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã mạnh mẽ phản bác những chỉ trích của các nghị sỹ đảng Cộng hòa về vụ người biểu tình Lybia tấn công sát hại Đại sứ Christopher Stevens cùng 3 nhân viên ngoại giao Mỹ hồi tháng 9 năm ngoái.

Tại phiên điều trần, Ngoại trưởng Clinton một mặt cam kết Bộ Ngoại giao sẽ làm hết trách nhiệm, tránh để xảy ra các thảm kịch như vụ Banghazi trong tương lai, mặt khác cương quyết bác bỏ cáo buộc của các nghị sỹ Cộng hòa cho rằng chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã chủ tâm đánh lạc hướng dư luận ngay sau khi vụ này xảy ra nhằm tránh gây tổn hại cho nỗ lực tái tranh cử của ông Obama.



Ngoại trưởng Clinton. Ảnh: Internet.



Bà Clinton khẳng định cho dù vụ Banghazi là kết quả của một cuộc biểu tình hay một vụ tấn công khủng bố thì cũng không có gì khác nhau, vì nó xảy ra trong một khu vực có lịch sử về bạo lực. Vụ này còn là hệ quả của tình trạng bất ổn sâu rộng trên toàn bộ khu vực Trung Đông-Bắc Phi sau cái gọi là "cuộc cách mạng Mùa Xuân Arập" bắt đầu từ năm 2011. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cho rằng những lời cáo buộc Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Susan Rice nói riêng và chính quyền Ôbama nói chung lừa gạt dư luận là không đúng sự thật vì ngay trong buổi sáng ngày hôm sau khi xảy ra vụ việc, chính bà Rice đã cùng Tổng thống Obama xuất hiện tại Nhà Trắng công khai thông báo với người dân Mỹ rằng các tay súng có vũ trang đã thực hiện một cuộc tấn công khủng bố vào tòa nhà của Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Bengadi và thề sẽ đưa những kẻ gây tội ác ra tòa.

Bất chấp những tuyên bố dứt khoát trên, Thượng nghị sỹ Cộng hòa Ron Johnson vẫn tiếp tục chất vấn bà Clinton về điều mà ông gọi là Đại sứ Mỹ tại LHQ đã cố tình đánh lạc hướng dư luận khi xuất hiện trên truyền hình nói rằng vụ này xuất phát từ một cuộc biểu tình, không phải là một vụ khủng bố. Thượng nghị sỹ Cộng hòa John McCain bày tỏ sự không hài lòng và bác bỏ một số câu trả lời của bà Clinton. Thượng nghị sỹ bảo thủ Rand Paul, cũng thuộc đảng Cộng hòa, thậm chí đã lên tiếng đòi cách chức Ngoại trưởng Clinton.

Mới đây, một ủy ban điều tra sự thật về vụ Bengadi đã công bố báo cáo xác định những thiếu sót mang tính hệ thống của Bộ Ngoại giao Mỹ là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc không đảm bảo an ninh đầy đủ cho lãnh sự quán ở Banghazi cũng như các phái bộ ngoại giao khác của Mỹ trên thế giới. Tháng 10/2012, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, bà Clinton đã nhận trách nhiệm cá nhân về vụ tấn công lãnh sự quán Mỹ ở Banghazi. Sau đó, ngày 18/12, bà Clinton cũng tuyên bố chấp nhận toàn bộ 29 kiến nghị của Ủy ban điều tra, trong đó có việc sẽ tăng cường hàng trăm nhân viên an ninh tới các phái bộ ngoại giao Mỹ ở khu vực Trung Đông-Bắc Phi và một số nơi khác.


Các chuyên gia cho rằng vụ Banghazi có thể trở thành một "chấm đen" trong sự nghiệp ngoại giao sáng chói của bà Clinton 4 năm qua. Nó có thể sẽ trở thành một vấn đề nếu bà Clinton có ý định lần thứ hai ra tranh cử tổng thống vào năm 2016. Kết quả thăm dò chung của truyền hình ABC News và báo The Washington Post công bố ngày 23/1 cho thấy có tới 67% người Mỹ được hỏi ý kiến tán thành những gì bà Clinton đã làm trên cương vị ngoại trưởng 4 năm qua.



TTXVN/Tin tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN