Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình NBC ngày 11/4, ông Blinken nói rằng Mỹ không “đặt trọng tâm vào việc tẩy chay”, nhưng đang tham vấn chặt chẽ với đồng minh và đối tác về quan ngại liên quan đến tình hình người Duy Ngô Nhĩ và nhóm dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương. Theo Ngoại trưởng Mỹ, Washington sẽ tìm cách “kết nối thế giới” để thể hiện tiếng nói trước Bắc Kinh trong vấn đề Tân Cương.
Đến nay, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Canada, Anh đã áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào nhiều quan chức Trung Quốc liên quan đến điều mà phương Tây gọi là “vi phạm nhân quyền” ở Tân Cương. Bắc Kinh kịch liệt bác bỏ những cáo buộc như vậy, đồng thời cũng đáp lại bằng các đòn cấm vận trả đũa tương ứng.
Gần đây, xuất hiện nhiều đồn đoán liên quan đến khả năng Mỹ phối hợp với đồng minh mở chiến dịch tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2022, gắn tẩy chay với tình hình Tân Cương. Tại cuộc họp báo ngày 6/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết “cùng tẩy chay” là điều Mỹ muốn thảo luận và là một trong những vấn đề đang nằm trong nghị trình của Mỹ và nhiều đồng minh, ở thời điểm hiện tại và cả trong tương lai.
Tuy nhiên, ngay sau tuyên bố của ông Price, Bộ Ngoại giao Mỹ có động thái ngầm phủ nhận thông tin này. Một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ cho biết, quan điểm của Washington về kỳ Olympic mùa đông 2022 không thay đổi; Mỹ chưa thảo luận và sẽ không thảo luận về hành động cùng tẩy chay sự kiện này với đối tác và đồng minh.
Về phần mình, trong vài tuần gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh ra tuyên bố bảo vệ các chính sách của mình đối với Tân Cương. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, Ủy ban Olympic Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế sẽ không chấp nhận hành động tẩy chay thế vận hội mùa đông năm 2022 được tổ chức ở Bắc Kinh. Tuyên bố của bộ này cũng cho rằng chỉ trích của Mỹ về “cưỡng bức lao động” tại Tân Cương sẽ thất bại.