Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), trong một tuyên bố vào năm ngoái, H&M cho biết họ sẽ không dùng bông vải sản xuất ở Tân Cương vì "quan ngại sâu sắc về các báo cáo từ những tổ chức xã hội dân sự và truyền thông liên quan đến cáo buộc lao động cưỡng bức và phân biệt đối xử người dân tộc thiểu số". Tuyên bố được đưa ra vài ngày sau khi một số quốc gia phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt lên Trung Quốc.
Phản ứng trước những cáo buộc từ H&M, dư luận Trung Quốc ngay lập tức thể hiện sự tức giận và kêu gọi một làn sóng tẩy chay các thương hiệu như H&M, Nike… Các thương hiệu này cũng đã bị gỡ xuống khỏi các nền tảng thương mại trực tuyến lớn của Trung Quốc. Hai nghệ sĩ nổi tiếng đang làm đại diện cho hãng cũng quyết định hủy hợp đồng trong khi phương tiện truyền thông liên tục đăng bài chỉ trích.
Bất chấp lời kêu gọi, một số người tiêu dùng trung thành với các nhãn hàng cho biết họ không muốn tham gia vào “trò chơi chính trị”. Trong khi đó, một số người khác tìm đến các sản phẩm trong nước thay thế các mặt hàng thương hiệu quốc tế.
Chiều 25/3, một cửa hàng H&M, thương hiệu thời trang của Thụy Điển, tại trung tâm mua sắm Shimao Tianjie ở phía đông Bắc Kinh heo hút chưa đến 10 khách. Người quản lý của cửa hàng cho biết lượng khách trong các buổi chiều trong tuần như thế này là bình thường.
“Đây là một trò chơi chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ. Theo tôi, H&M chỉ là nạn nhân. Họ chỉ được phép lựa chọn hoặc là thị trường phương Tây hoặc là thị trường Trung Quốc. Cuối cùng, H&M lựa chọn phương Tây, với thị trường rộng hơn”, Teresa Bai (23 tuổi) tranh thủ dạo qua cửa hàng phòng trường hợp nơi này sớm đóng cửa.
Teresa cho hay người tiêu dùng cần tin vào sự phán đoán của mình và không nên mù quáng tẩy chay các sản phẩm. “Tôi sẽ mua những gì tôi thích”, cô gái trẻ bày tỏ.
Một khách hàng khác cũng chia sẻ thêm: “Đó là vấn đề cấp quốc gia. Vấn đề chính trị như thế này quá phức tạp đối với những dân thường như chúng tôi. Những cửa hàng này hoạt động hợp pháp tại Trung Quốc và tất cả nhân viên cũng là người Trung Quốc”.
Các trung tâm mua sắm với những cửa hàng của các thương hiệu H&M, Nike bên trong đã được cảnh báo về nguy cơ đối đầu và kịp thời điều động thêm lực lượng tuần tra bên trong.
Tại Thượng Hải, nhiều người dự đoán sẽ xảy ra biểu tình tại các cửa hàng. “Tôi không mua đồ gì của H&M và tôi cũng không tin vào tin đồn về lao động cưỡng bức ở Tân Cương. Tôi chỉ đến đây để xem có hoạt động tẩy chay nào diễn ra hay không thôi”, bà Fang Wen – nhân viên trong một công ty Mỹ - cho biết.
Một số người tiêu dùng nói rằng họ sẽ thay đổi nhu cầu thời trang sang các thương hiệu Trung Quốc. Một người tiêu dùng đã mua một đôi giày Huili để ủng hộ các sản phẩm nội địa tại trung tâm thương mại Shimao Tianjie sau khi cảm thấy tội lỗi vì đã trót mua một đôi Converse.
Ngày 24/3, nhà sản xuất quần áo thể thao của Trung Quốc Anta Sports thông báo họ đã bỏ gia nhập Sáng kiến Bông chất lượng tốt (BCI) do một tổ chức về bông có trụ sở tại Thụy Sĩ thành lập và khẳng định sẽ tiếp tục sử dụng bông được sản xuất ở Tân Cương.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đang thúc đẩy việc bán bông Tân Cương trong nước. “Tôi đã nhận được 7 hoặc 8 đơn đặt hàng cho mền bông Tân Cương chỉ trong một buổi chiều vì mọi người đang quay sang ủng hộ các sản phẩm trong nước”, ông chủ Wu điều hành một cửa hàng trực tuyến bán các sản phẩm Tân Cương cho hay.