Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào 24/2, hầu hết tranh luận về mối quan hệ kinh tế của Berlin với Moskva đều xoay quanh khí đốt và dầu mỏ. Lý do chính bắt nguồn từ thực tế Đức là nước nhập khẩu dầu khí Nga hàng đầu châu Âu.
Tuy nhiên, nhiều công ty Đức lại dựa vào nguồn cung ổn định các mặt hàng xuất khẩu khác từ Nga, đặc biệt là vật liệu thô như nickel, paladi, đồng và crom.
Kênh DW (Đức) cho biết nickel là thành phần quan trọng trong sản xuất pin lithium-ion cung cấp năng lượng cho xe điện. Paladi cũng thiết yếu đối với các nhà sản xuất ô tô và là thành phần then chốt trong sản xuất bộ lọc khí thải trên xe ô tô.
Năm 2020, Nga đóng vai trò nhà cung cấp nickel thô lớn nhất của Đức, chiếm tới 39% nguồn cung. Nga cũng là nơi cung cấp 25% paladi nhập khẩu của Đức và khoảng 15-20% crom cùng cadmium. Bên cạnh đó, năm 2020, có đến 10,9% bạch kim và 8,5% quặng sắt Đức nhập khẩu bắt nguồn từ Nga.
Viện Kinh tế Đức (IW) trong nghiên cứu gần đây nhận định một số vật liệu thô Đức nhập khẩu từ Nga có thể coi là khó để thay thể.
Nickel được coi là đáng chú ý nhất. Đối tác xuất khẩu nickel thô lớn thứ hai cho Đức trong năm 2020 là Hà Lan, chiếm 29%. Tuy nhiên, Nga vẫn giữ vai trò đứng đầu thị trường này, cung cấp nickel loại 1.
Việc sản xuất xe ô tô điện đang “nở rộ” trên khắp thế giới. Trong khi đó, cần nickel chất lượng cao để sản xuất pin cho phương tiện này. Do vậy, nhu cầu nickel đang tăng mạnh. CEO của hãng Tesla là Elon Musk thường đăng lên mạng xã hội Twitter than phiền về việc thiếu nickel. Vào tháng 7/2020, ông Musk đăng: “Nickel là thách thức lớn nhất cho pin dung lượng lớn, tuổi thọ cao”.
Giá nickel loại 1 đã tăng gần gấp đôi trong 2 năm qua nhưng xung đột Nga-Ukrane dẫn đến lo ngại rằng Moskva có thể áp dụng lệnh cấm xuất khẩu vật liệu này.
Bất ổn liên quan đến nguyên liệu thô của Nga sẽ tác động đến thị trường. Một số nhà phân tích dự đoán rằng chỉ riêng khủng hoảng nickel cũng có thể khiến giá một chiếc xe ô tô điện mới tăng ít nhất 1.000 USD.
Mặc dù vào tháng 3, Moskva không đặt nickel vào danh sách cấm xuất khẩu nhưng vẫn có nguy cơ lệnh trừng phạt từ Nga hoặc Liên minh châu Âu (EU) sẽ “cắt đứt” nguồn cung vật liệu thô này đến châu Âu.
Ngày 8/4, EU công bố lệnh cấm nhập khẩu một số mặt hàng của Nga trong đó có than đá, gỗ, xi măng, vodka… Tuy nhiên, nickel và các mặt hàng khác được xuất khẩu với khối lượng lớn sang các nước như Đức lại không nằm trong danh sách.
DW nhận định ngay cả khi việc Nga xuất khẩu nickel đến châu Âu không bị cấm về pháp lý thì các công ty Đức vẫn chịu áp lực lớn để cắt mối quan hệ thương mại với Nga, ở mọi lĩnh vực.