Kết quả nghiên cứu cho thấy chùm triệu chứng thứ nhất có liên quan tới não bộ, bao gồm chứng não sương mù (tình trạng đầu óc không thể ghi nhớ, phân tích nhạy bén hoặc thiếu tập trung), suy giảm trí nhớ, chóng mặt, tim đập nhanh và mệt mỏi. Chùm triệu chứng thứ hai có liên quan tới hệ hô hấp gồm khó thở và ho.
Trong nghiên cứu sơ bộ đăng trên trang medRxiv.org, các nhà nghiên cứu Viện Y tế Công cộng Na Uy cho biết kết quả nghiên cứu này cho thấy các chùm triệu chứng này được ghi nhận ở những người khác nhau. Do vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng "COVID kéo dài" có thể không phải là một hội chứng đơn lẻ.
Trong thông cáo báo chí của Viện Y tế công cộng Na Uy, nhà nghiên cứu Lill Trogstad nêu rõ: "Phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng đây là về một số căn bệnh khác nhau mà phần lớn trong đó hầu như không thể coi là một hội chứng, bởi chúng có biểu hiện khác hoàn toàn ở những người khác nhau". Bà nhấn mạnh rằng cần tiến hành nghiên cứu thêm để khẳng định điều này.
Nghiên cứu trên với sự tham gia của khoảng 70.000 người không tiêm vaccine và mắc COVID-19, cho thấy hơn 50% trong số này có các triệu chứng trên sau một năm mắc bệnh. Trong thông cáo báo chí, Viện Y tế Công cộng Na Uy nêu rõ: "Sự phổ biến của nhiều triệu chứng này ở mức cao 12 tháng sau khi mắc COVID-19, so với các triệu chứng ở những người không mắc bệnh này".
Trong số những người không mắc COVID-19, 21% ghi nhận trải qua ít nhất 1 triệu chứng mới trong 12 tháng qua trong khi tỉ lệ này ở những người mắc COVID-19 là 56%. Chỉ chưa đầy 30% ghi nhận mắc từ 3-5 triệu chứng trở lên 1 năm sau khi mắc bệnh. 17,4% những người mắc COVID-19 xảy ra tình trạng mệt mỏi, so với 3,8% ở những người không mắc COVID-19. 18,2% người mắc COVID-19 bị suy giảm trí nhớ 1 năm sau khi mắc bệnh, so với tỉ lệ này ở người không mắc COVID-19 là 3,6%.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng các triệu chứng này ở phụ nữ phổ biến hơn so với ở nam giới cũng như phổ biến ở những người mắc COVID-19 thể nặng hơn so với những người bị nhẹ.