Nghiên cứu về tác động 'Long COVID-19' với trẻ vị thành niên

Cứ 7 trẻ em lại có 1 em biểu hiện những triệu chứng liên quan đến COVID-19 nhiều tháng sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính. Đây là kết quả nghiên cứu về những tác động kéo dài của COVID-19, còn được gọi là "Long COVID-19", với trẻ vị thành niên được công bố ngày 1/9.

Chú thích ảnh
Trẻ em được tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh minh họa: AAP News/TTXVN

Theo nghiên cứu thuộc dạng quy mô nhất về "Long COVID-19" đối với nhóm độ tuổi này, trẻ em hiếm khi trở bệnh nặng nếu mắc COVID-19, nhưng một số triệu chứng có thể kéo dài. Nghiên cứu, do Đại học College London và Cơ quan y tế công vùng England thực hiện, cho thấy trẻ em từ 11-17 tuổi có thể biểu hiện từ 3 triệu chứng trở lên lâu hơn 15 tuần so với những người có kết quả âm tính.

Nghiên cứu được thực hiện với 3.065 em trong độ tuổi 11-17 tại England có kết quả xét nghiệm PCR dương tính trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3, và với một nhóm gồm 3.739 em cùng độ tuổi xét nghiệm âm tính trong cùng giai đoạn.

Ở nhóm xét nghiệm dương tính, 14% biểu hiện từ 3 triệu chứng trở lên, như mỏi mệt bất thường hay đau đầu, kéo dài hơn 15 tuần so với chỉ 7% có những triệu chứng như vậy ở nhóm âm tính.

Theo các nhà nghiên cứu, dù kết quả nghiên cứu cho thấy có tới 32.000 trẻ vị thành niên có thể biểu hiện đa triệu chứng liên quan đến COVID-19 sau 15 tuần, song sự phổ biến của "Long COVID" ở nhóm độ tuổi này là thấp hơn những gì giới chuyên gia y tế lo ngại hồi cuối năm ngoái.

Bên cạnh đó, các tác giả nghiên cứu cũng khẳng định bất kì quyết định mở rộng nhóm độ tuổi tiêm chủng vaccine cho trẻ em từ 12-15 tuổi tại Anh không nên dựa trên kết quả nghiên cứu này, do hiện không đủ dữ liệu cho thấy liệu việc tiêm chủng có chống được "Long COVID-19" hay không.

Lan Phương (TTXVN)
Tỷ lệ trẻ vị thành niên mang thai tại Nam Phi tăng mạnh trong đại dịch COVID-19
Tỷ lệ trẻ vị thành niên mang thai tại Nam Phi tăng mạnh trong đại dịch COVID-19

Ngày 24/8, tổ chức phi chính phủ Save the Children cho biết tỷ lệ trẻ vị thành niên tại Nam Phi mang thai tăng mạnh do các biện pháp giãn cách được áp đặt để phòng dịch COVID-19 hạn chế nhiều bé gái tiếp cận với biện pháp tránh thai và nạo phá thai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN