Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu thuộc Trường Y Đại học Yale của Mỹ đang cố gắng nghiên cứu nhằm tìm ra những "ẩn số" của căn bệnh này.
Các triệu chứng thường gặp nhất đối với những bệnh nhân mắc "Long COVID" bao gồm mệt mỏi, thở gấp, khó tập trung, gặp các vấn đề liên quan đến giấc ngủ, lo lắng và trầm cảm. Đáng chú ý, những triệu chứng này kéo dài nhiều tháng sau khi người bệnh mắc COVID-19 và đã được điều trị khỏi.
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu theo chiều dọc, thu thập dữ liệu của những người trước khi tiêm vaccine và sau khi tiêm vaccine 6 và 12 tuần. Hiện họ đã hoàn thành việc theo dõi khoảng 10 người và vẫn đang theo dõi tiếp những người khác. Mục đích của nghiên cứu là nhằm tìm ra cách thức hệ miễn dịch của những người phải đối phó với "Long COVID" phản ứng như thế nào đối với vaccine.
Kết quả nghiên cứu cho thấy 40-60% số người tham gia nghiên cứu cảm thấy tốt hơn sau khi tiêm vaccine và khoảng 20% thấy tồi tệ hơn sau tiêm. Do đó, các nhà nghiên cứu đề nghị theo dõi và hiểu rõ các phản ứng miễn dịch trước và sau khi tiêm chủng ở những bệnh nhân mắc "Long COVID" cũng như nỗ lực xác định mối tương quan giữa việc tiến triển tốt lên cũng như xấu đi ở người bệnh. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng muốn tìm ra cách thức để cải thiện hiệu quả của vaccine, để có thể mang lại liệu pháp tốt hơn.
Trong bối cảnh có những bệnh nhân tiến triển tốt, có những người lại thấy tồi tệ hơn và cả những người không thấy có sự thay đổi gì, các nhà nghiên cứu đang kêu gọi thêm những bệnh nhân mắc hội chứng "Long COVID" tham gia nghiên cứu để có thể tìm ra liệu pháp điều trị thích hợp hơn.
Tiến sĩ Akiko Iwasaki - một trong những nhà nghiên cứu tham gia nghiên cứu phục hồi COVID-19 của Trường Y Đại học Yale, cho rằng việc khám phá ra "ẩn số" về "Long COVID" sẽ mang lại lợi ích cho cộng đồng.