Nghiên cứu chỉ ra chiến dịch tiêm phòng thời gian đầu giúp giảm 140.000 ca tử vong tại Mỹ

Một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Health Affairs ước tính các chương trình tiêm phòng thời gian đầu đã giúp Mỹ tránh được 140.000 ca tử vong vì COVID-19.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Riverside, bang California, Mỹ. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Theo đó, các nhà khoa học đến từ trung tâm nghiên cứu RAND và Đại học Indiana đã đánh giá tác động của các chiến dịch tiêm chủng tới số ca tử vong vì COVID-19 ở Mỹ. Nghiên cứu ước tính số người được cứu sống trong 5 tháng đầu tiên của chiến dịch tiêm chủng (từ 21/12/2020 - 9/5/2021) ở từng bang trong tổng số 50 bang của Mỹ và thủ đô Washington.

Sử dụng dữ liệu theo dõi tiêm phòng của Bloomberg, các nhà nghiên cứu đã tính toán tổng số liều vaccine được tiêm ở mỗi bang hàng tuần, tính số mũi được tiêm tích lũy/100 người từ 16 tuổi trở lên. Nhóm nghiên cứu cũng thu thập số liệu các ca tử vong mà các bang ghi nhận mỗi ngày, để tính toán số ca tử vong tích lũy/100 người trưởng thành ở mỗi bang hàng tuần trong giai đoạn kể trên. Các nhà nghiên cứu cũng đã ước tính số ca tử vong có thể xảy ra nếu không có chương trình tiêm phòng và so sánh số liệu này với số ca tử vong thực tế từ mỗi bang.

Theo các tác giả, nghiên cứu cho thấy nếu không có các chiến dịch tiêm phòng trong giai đoạn đầu năm 2021, số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ có thể cao hơn gấp 1,2 lần so với mức hiện tại. Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng các mức ước tính ở các bang là khác nhau. Ví dụ, ở bang New York, việc tiêm phòng giúp giảm 11,7 ca tử vong/100.000 người trưởng thành trong khi ở Hawaii tỷ lệ này là 1,1 ca tử vong/10.000 người trưởng thành.

Các tác giả cũng chỉ ra một số hạn chế của nghiên cứu như các cơ sở dữ liệu không bao gồm các thông tin về độ tuổi, chủng tộc, sắc tộc, nghề nghiệp… Hay việc ước tính dựa trên số liệu cũng chưa thể khẳng định có bao nhiều ca tử vong được ngăn chặn là nhờ tiêm phòng và bao nhiêu ca là nhờ miễn dịch tự nhiên, hay nhờ các yếu tố khác như nguy cơ lây nhiễm thấp, mức độ áp dụng các biện pháp hạn chế ở từng bang…

Tuy nhiên, các tác giả kết luận rằng nghiên cứu đã góp phần củng cố cho những chính sách nhằm mở rộng quy định về tiêm phòng. Tiến sĩ Christopher Whaley, một trong các tác giả, cho rằng nghiên cứu đã làm rõ thành công mà việc triển khai tiêm chủng mang lại ngay từ những tháng đầu tiên, qua đó củng cố các chính sách nhằn  mở rộng các quy định về tiêm phòng giúp nâng cao tỷ lệ người dân được hưởng lợi từ biện pháp này.

Tiến sĩ William Schaffner, giáo sư dịch bệnh truyền nhiễm tại trung tâm y tế của đại học Vanderbilt ở Nashville cho rằng nghiên cứu này sẽ mở ra thêm nhiều đề tài nghiên cứu khác trong tương lai về tác dụng thực tế của vaccine trong ngăn chặn ca nhập viện, chăm sóc đặc biệt… Hơn nữa, trong bối cảnh virus SARS-COV-2 vẫn không ngừng biến đổi, việc tiếp tục thực hiện các nghiên cứu là đặc biệt quan trọng để xác định hiệu quả của các loại vaccine hiện tại.

Theo Đại học Johns Hopkins, trung tâm dữ liệu về đại dịch COVID-19 của Mỹ, kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay, trên 625.000 người dân nước này đã tử vong. Tính đến ngày 23/8, khoảng 51,5% dân số Mỹ đã được tiêm phòng đầy đủ.

Lê Ánh (TTXVN)
Australia chuẩn bị tiêm liều vaccine tăng cường
Australia chuẩn bị tiêm liều vaccine tăng cường

Ngày 24/8, Vùng lãnh thổ thủ đô (ACT) của Australia đã ghi nhận 30 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là một mức cao kỷ lục mới tại thủ đô Canberra bất chấp việc khu vực này đã được phong tỏa 12 ngày qua. Số ca nhiễm trên nâng tổng số ca liên quan đến ổ dịch này lên 167 ca, trong đó có 4 người đang phải điều trị trong bệnh viện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN